Doris Lessing là "nhà văn mang tính sử thi viết về trải nghiệm nhân sinh của người phụ nữ, người mà, bằng chủ nghĩa hoài nghi, chất lửa và sức mạnh thấu thị, đã tỉ mỉ khảo sát một nền văn minh bị chia cắt”.
Hôm 11/10, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố người được trao giải thưởng Nobel Văn chương 2007. Đó là Doris Lessing, nhà văn nữ người Anh, sinh năm 1919.
Trong lời bình chính thức, Viện hàn lâm ca ngợi Lessing là “nhà văn mang tính sử thi viết về trải nghiệm nhân sinh của người phụ nữ, người mà, bằng chủ nghĩa hoài nghi, chất lửa và sức mạnh thấu thị, đã tỉ mỉ khảo sát một nền văn minh bị chia cắt” (… that epicist of the female experience, who with scepticism, fire and visionary power has subjected a divided civilisation to scrutiny).
Doris Lessing sinh tại Ba Tư (nay là Iran), cha là một nhân viên ngân hàng. Bà nghỉ học từ năm mười bốn tuổi, làm nhiều nghề để sống và từng gia nhập Đảng Cộng sản.
Sáng tác của bà có thể chia làm ba giai đoạn: ở giai đoạn đầu (1944-1956) bà tập trung viết về các vấn đề xã hội theo quan điểm cấp tiến do ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản; trong giai đoạn thứ hai (1956-1969) chủ đề chính của bà là tâm lý con người; và ở giai đoạn thứ ba, được gọi là giai đoạn sufi (một giáo phái huyền bí của đạo Hồi), bà viết một loạt tác phẩm khoa học viễn tưởng với chủ đề Canopus. Sau giai đoạn này, bà lại viết đều ở cả ba lĩnh vực.
Nhà phê bình Mary Ann Singleton trong cuốn The City and the Veld, The Fiction of Doris Lessing, 1977) đã viết: "Bà [Lessing] không chỉ là một nghệ sĩ, mà còn là một nhà phê bình và nhà tiên tri, kẻ khảo sát chi li những lỗi lầm của một xã hội "bị thôi miên bởi ý tưởng về sự đấu tranh giữa Thiện và Ác", đồng thời tiên báo những hậu quả tai hại của những lỗi lầm này. Đồng thời, bà muốn vạch ra những giải pháp khả dĩ giải quyết được các vấn nạn của thế giới".
Tuy Doris Lessing thường được coi là nhà văn theo chủ nghĩa nữ quyền, song bản thân bà không thích bị dán cho cái nhãn là tác giả nữ quyền. Tuy tác phẩm The Golden Notebook (tạm dịch: Cuốn sổ vàng) được một số nhà phê bình ca ngợi là tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa nữ quyền, song bản thân bà lại cho rằng, tác phẩm quan trọng nhất của bà là loạt tác phẩm khoa học viễn tưởng Canopus in Argos (Canopus ở Argos), xuất bản lần lượt từ năm 1979 đến năm 1983). Một số nhà phê bình cũng nhận định, loạt tác phẩm này, cùng với loạt tiểu thuyết mang tính nửa tự thuật Children of Violence (tạm dịch: Con cái của bạo lực), là những tác phẩm chủ chốt của bà, phản ánh ảnh hưởng của tư tưởng sufi và mối quan tâm đến sự hợp nhất của linh hồn với một Bản thể Tối thượng (theo The Encyclopedia of Science Fiction, Từ điển Bách khoa Khoa học Viễn tưởng của John Clute và Peter Nichols, 1993).
Trước giải thưởng Nobel, Lessing từng được trao giải thưởng Somerset Maugham Award (1954), Giải Médicis dành cho tác phẩm nước ngoải (1976), giải thưởng Prince of Asturias của Tây Ban Nha (2001), cũng như nhiều giải thưởng khác.
Thụ Nhân