Giải thích gương mặt sợ hãi

  •  
  • 2.582

Ai cũng biết gương mặt sợ hãi trông như thế nào. Thấy kẻ sát nhân dùng cưa xích trong một bộ phim chém giết, các cô gái sợ hãi thường mở to mắt và nở cánh mũi trong nỗi khiếp sợ, kinh hoàng. Các nhà khoa học phát hiện thấy phản ứng này không chỉ do hiệu ứng điện ảnh tạo ra mà thực tế là để đáp ứng chức năng sinh học bằng việc biến đổi cách thức mà các giác quan của chúng ta nhận thức về thế giới.

Joshua Susskind – nghiên cứu sinh ngành tâm lý học thuộc đại học Toronto thực hiện thí nghiệm tìm hiểu chức năng của các biểu hiện gương mặt – cho biết: “Giả thuyết mà chúng tôi đặt ra là các biến đổi khác nhau trên gương mặt sẽ dẫn đến khác biệt trong lượng cảm giác tham gia. Nỗi sợ chính là phản ứng đề phòng. Thay đổi trên gương mặt như mở to mắt - đặc điểm của sợ hãi - là kết quả của việc bạn cố gắng đánh giá thêm nhiều thông tin trong môi trường xung quanh”.

Nheo mắt và giữ chặt mũi

(Ảnh: www.indiebusinessblog.com)

Để thử nghiệm giả thuyết, Susskind cùng cố vấn là Adam Anderson và các cộng sự đã lấy hình ảnh gương mặt của mọi người khi họ mô tả cảm xúc có liên quan đến nỗi sợ và sự kinh tởm. Sử dụng mô hình thống kê, nhóm đã phân tích các hình ảnh và nhận thấy hai trạng thái cảm xúc tạo ra hiệu ứng gương mặt đối lập nhau.

Sau đó họ nghiên cứu chức năng của các biến đổi trên gương mặt. Các nhà khoa học áp dụng nhiều tiêu chuẩn đánh giá khác nhau nhằm xác định nhận thức giác quan, ví dụ như thể tích không khí hấp thụ, chiều rộng trường thị lực và thị lực ngoại biên cũng như tốc độ điều chỉnh thị lực. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi tạo ra gương mặt sợ hãi, chủ thể thường hít vào nhiều không khí hơn, trường thị lực lớn hơn và có thể theo dõi mục tiêu nhanh chóng hơn.

Trả lời phỏng vấn trên tờ LiveScience, Susskind nói: “Chúng tôi phát hiện thấy các kiểu biến đổi gương mặt nhất định nhằm biểu đạt sự sợ hãi hay cảm giác ghê tởm. Những biến đổi đó khớp với ý kiến cho rằng nỗi sợ hãi làm mở rộng bề mặt cảm giác. Cảm giác ghê tởm lại tạo ra hiệu ứng đối lập, liên quan tới các yếu tố giác quan thu nhận”.
Khi giữ chặt mũi hay nheo mắt thể hiện cảm giác ghê tởm, thính giác và thị giác hoạt động kém hơn.

Susskind nói: “Chúng tôi khẳng định rằng các xúc cảm này đối lập về biểu hiện cũng như chức năng. Một cái là nhu cầu tiếp nhận nhiều thông tin hơn còn cái kia lại là nhu cầu từ chối thông tin”.

Quan điểm của Darwin

Darwin là người đầu tiên cho rằng biểu hiện xúc cảm trên gương mặt có lẽ đã tiến hóa vì nguyên nhân nào đó. Theo Susskind, “Darwin không coi đó là biểu tượng hay hứng thú mà chúng có mục đích. Chúng làm tăng khả năng tồn tại cho động vật hay các loài”.

Darwin cùng một số nhà khoa học khác đưa ra giả thuyết rằng các biểu hiện như vui vẻ (cười) và buồn rầu (chau mày) đáp ứng chức năng xã hội qua việc truyền đạt những cảm nhận bên trong con người.

Các nhà khoa học sau này như Silvan Tomkins hay Paul Ekman phát hiện biểu hiện cảm xúc khá giống nhau ở các nền văn hóa khác nhau – sự sợ hãi hay ghê tởm biển hiện tương tự nhau trên gương mặt của người dân New York hay người Nigeria. Người dân thuộc các nền văn hóa khác nhau cũng có thể nhận diện xúc cảm như vui vẻ, bực tức hay ngạc nhiên trên gương mặt của người khác dù họ không nói chung một thứ tiếng.

Biểu biện cảm xúc mang tính toàn cầu, điều này khiến các nhà khoa học tin rằng chúng không chỉ được sử dụng cho mục đích giao tiếp hay xã hội mà còn giữ thêm vai trò chức năng sinh học thích nghi.

Nghiên cứu trong tương lai

Nghiên cứu mới này có lẽ là nghiên cứu đầu tiên xác định những biến đổi trong thu nhận giác quan có liên quan đến biểu hiện gương mặt.

Susskind cho biết: “Theo những gì chúng tôi biết, chúng tôi là người đầu tiên tìm hiểu hệ quả thực của việc tiếp nhận thông tin - vấn đề mới chỉ được suy xét trước đây”.

Các nhà khoa học không tin rằng kết quả thu được của họ chỉ hạn chế vỏn vẹn trong hai trạng thái cảm xúc được thử nghiệm. Các hình thức biến đổi biểu hiện gương mặt khác cũng mang chức năng sinh học.

“Chúng tôi muốn biết chức năng sinh học thể hiện qua các biểu hiện khác như thế nào. Bạn có thể xác định biến đổi thu nhận được đối với cảm giác giận dữ không? Có lẽ bạn đang thu hẹp những gì tiếp nhận được. Chúng tôi không cho rằng điều này chỉ đúng với cảm giác sợ hãi và ghê tởm”.

Susskind cùng cộng sự sẽ tiến hành thí nghiệm nhằm xác định liệu loài vật có thể hiện xúc cảm bằng các biểu hiện gương mặt tương tự hay không và liệu các xúc cảm này có mang cùng mục đích ở các loài khác nhau hay không.

Trà Mi (Theo LiveScience)
  • 2.582