Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Portsmouth (Anh) vừa phát triển thành công một phần mềm ứng dụng trên ĐTDĐ, giúp người sử dụng lựa chọn đọc hay bỏ qua tin nhắn đã được phân loại “tin tốt” và “tin xấu”, dựa trên các màu tương ứng.
Theo các chuyên gia, ứng dụng trên sẽ tự động giải mã tin nhắn trong hộp thư đến và phân loại chúng bằng màu sắc, với xanh lá là “tin tốt”, đỏ cho “tin xấu” và xanh da trời là “trung lập” (ảnh). Bằng cách này, người sử dụng chỉ việc nhìn vào bảng màu và quyết định có mở ra đọc ngay hay không, tùy vào tâm trạng của họ lúc đó.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Mohamed Gaber, cho biết phần mềm này hoạt động dựa trên việc học cách phân loại tin nhắn mà người dùng chọn để làm mẫu đối với các tin trước đó. Mục đích của ứng dụng là giúp khách hàng quản lý tốt tâm trạng của mình bằng cách nhận thức ý nghĩa từ những thông điệp mà mình nhận được là tích cực hay tiêu cực. Theo Tiến sĩ Pamela Briggs, nhà tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý Anh, các loại hình phân tích ngôn ngữ khác nhau ngày càng được các chuyên gia sử dụng nhằm giải mã nội dung tin nhắn. Vì vậy việc sử dụng màu sắc để mã hóa là hoàn toàn có khả năng trong bối cảnh này.
Hiện tại, ứng dụng này đã được chạy thử nghiệm trên các mẫu điện thoại sử dụng hệ điều hành Android OS và kết quả sẽ được công bố tại Hội nghị Quốc tế về Hệ thống Kỹ thuật và Thông tin thông minh lần thứ 16, dự kiến diễn ra tại Tây Ban Nha vào tháng 9 tới.
Tham khảo: Daily Mail