Hạch sưng to do bệnh gì?

  •   23
  • 1.857

Nên nghĩ đến bệnh lao nếu xuất hiện hạch sờ nắn không đau, phát triển từ từ trải qua hàng tháng. Hạch lao hay xuất hiện nhất ở vùng cổ.

Hạch sưng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Hạch là những nút phình to cấu trúc tròn hình bầu dục, rải rác trên các đường bạch huyết quản và kết chùm ở một số vùng như cổ, nách, bẹn. Nó cấu tạo từ mô bạch huyết, sinh ra các tế bào bạch huyết (lymphocyte) và kháng thể.

Có thể ví hạch giống như các trạm quân sự tiền tiêu, có nhiệm vụ ngăn cản, chống đỡ, bảo vệ cơ thể và tiêu diệt các yếu tố gây bệnh (virus, vi khuẩn...), hoặc gây nguy hại cho từng vùng của cơ thể. Các chùm hạch tác động như các chướng ngại vật, bảo vệ không cho nhiễm khuẩn lan đi bằng cách thanh lọc và thực bào các vi khuẩn và vật lạ khỏi bạch huyết.

Trẻ em và những người gầy có thể sờ thấy trên người (ở cổ, bẹn) có hạch nhỏ đường kính dưới 1 cm, không đau, di động và lần khám nào cũng sờ thấy, nhưng không to lên. Người ta chỉ coi một hạch là bệnh lý khi: hạch to (đường kính trên 1 cm), hạch căng mọng, hoặc đau, hoặc rất cứng. Thường hạch bệnh lý nằm trong các trường hợp như:

Nhiễm khuẩn thông thường

Đây là hạch phản ứng của một ổ nhiễm khuẩn nào đó; có thể là ở tai, mũi, họng. Nếu nhiễm khuẩn ở răng thì hạch cổ sưng, nhiễm khuẩn ngoài da ở tay thì hạch nách sưng, khi có nhọt ở chân thì hạch bẹn sưng... Các hạch này sưng to nhanh, không cứng nhưng có độ căng nhất định và sờ nắn thấy đau. Khi dùng thuốc kháng sinh thấy bớt sưng đau, thể tích hạch nhỏ đi.

Bệnh lao

Hạch sờ nắn không đau, phát triển từ từ trải qua hàng tháng, mật độ mềm, căng. Tuy hạch lao có thể thấy ở nhiều nơi, nhưng thường thấy nhất là vùng cổ; tuy chỉ sờ thấy vài hạch, nhưng thực ra là từng chùm, song chỉ sờ thấy mấy hạch to nhất; trong nhân dân trước đây thường gọi là bệnh tràng nhạc. Chẩn đoán xác định bằng sinh thiết hạch, làm phản ứng Mantoux và các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.

Hạch ung thư

Là hạch di căn của một ung thư ở vùng đầu mặt cổ, hoặc là một ung thư hạch hệ thống. Hạch thường nổi lên từ từ, bắt đầu từ lúc nào không rõ, có đặc điểm rất cứng (sờ nắn cứng như sỏi đá), bám rộng vào tổ chức xung quanh, dính chặt vào các lớp sâu nên có cảm giác như có rễ, có chân, không đau không gây cảm giác khó chịu. Người cao tuổi cần lưu ý phát hiện sớm loại hạch này.

Khi thấy hạch sưng to, điều chủ yếu là phải tìm ra bệnh mà hạch đã phản ứng để chữa. Điều trị như thế nào là tùy theo bệnh lý từng trường hợp.

BS Vũ Hướng Văn, Sức Khỏe & Đời Sống

Theo Tuổi trẻ
  • 23
  • 1.857