Hải cẩu và cá voi trắng ở Bắc Cực thay đổi tập tính săn mồi

  •  
  • 596

Do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, hai loài động vật sinh trưởng tại Bắc Cực là hải cẩu và cá voi trắng buộc phải thích nghi với môi trường sống biến đổi, từ đó dẫn đến sự thay đổi về tập tính săn mồi.

Trong hơn hai thập kỷ qua, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để có được cái nhìn tổng thể về thực tế này, qua đó đánh giá sự tồn vong của các loài động vật này.

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 6/3, các nhà khoa học khẳng định Bắc Cực là khu vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Trái Đất ấm lên dẫn tới sự tan chảy nhanh chóng của các khối băng. Thực tế này đã tác động đến môi trường sống của hải cẩu và cá voi trắng, vốn là hai loài có thói quen săn mồi tại những vùng băng biển và những dòng sông băng.

Hiện tại, hải cẩu phải "tiêu tốn" nhiều thời gian hơn để săn mồi tại các dòng sông băng
Hiện tại, hải cẩu phải "tiêu tốn" nhiều thời gian hơn để săn mồi tại các dòng sông băng.

Qua những tài liệu thu thập tìm hiểu về sự thích nghi của hải cẩu và cá voi trắng với những biến đổi của môi trường sống, các nhà khoa học phát hiện, 20 năm trước đây, cả hai loài động vật trên đều dành một nửa thời gian săn bắt mồi dưới dòng sông băng với "món chính" là cá tuyết. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thói quen này đã hoàn toàn thay đổi. Trong khi các chú hải cẩu phải "tiêu tốn" nhiều thời gian hơn để săn mồi tại các dòng sông băng, thì cá voi trắng lại lựa chọn cách khác - đó là kiếm mồi ở những nơi khác.

Theo các nhà nghiên cứu, thói quen kiếm mồi của cá voi trắng thay đổi là do sự xuất hiện của nhiều loài cá mới trong quá trình "di cư" tới phương Bắc tìm kiếm môi trường sống mới do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, hải cẩu chưa thể thay đổi "khẩu vị" và điều này buộc chúng phải kiếm bằng được thức ăn "truyền thống" dưới các sông băng.

Qua đó, các nhà khoa học khẳng định cá voi trắng có khả năng thích nghi linh hoạt với môi trường sống biến đổi, trong khi hải cẩu thể hiện sự hạn chế trong vấn đề này. Rõ ràng, đây là điều tồi tệ đối với hải cẩu trong một thế giới đang không ngừng biến đổi bởi trên thực tế, những loài không thể thích nghi với môi trường sống sẽ giảm rõ rệt về số lượng hoặc thậm chí đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Na Uy thực hiện, công bố trên tạp chí Royal Society Biology Letters số ra ngày 6/3.

Trong khi đó, các nghiên cứu khác cũng cho thấy tình trạng tan băng tại Bắc Cực khiến cứ mỗi giây lại có tới 14.000 tấn nước tại đây đổ ra các đại dương, khiến mực nước biển dâng cao. Hiện tượng băng tan ở tốc độ ngày càng gia tăng đã khiến mực nước đại dương dâng lên hơn 1mm mỗi năm.

Kể từ năm 1971 đến nay, con số này đã lên tới 2,3cm. Trong giai đoạn 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỷ tấn/năm, tương đương cứ mỗi giây lại có 14.000 tấn nước đổ ra biển. Trong giai đoạn 1986-2005, lượng băng tan ước tính khoảng 5.000 tấn/giây. Điều này đồng nghĩa tốc độ tan băng ở Bắc Cực giai đoạn 2005-2015 diễn ra nhanh gấp gần 3 lần so với giai đoạn 1986-2005.

Tính đến hiện tại, tình trạng ấm lên nhanh tại Bắc Cực cũng đang vượt xa so với Nam Cực. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đó là tốc độ tan băng ở cả hai khu vực này dường như ngày càng diễn biến nhanh một cách đồng thời, khiến mực nước biển sẽ ngày càng dâng cao hơn trong những thập kỷ sắp tới.

Cụ thể, một nghiên cứu riêng rẽ gần đây chỉ ra rằng tỷ lệ tan băng tại Nam Cực cũng tăng cao gấp 3 lần chỉ trong một thập kỷ. Đặc biệt, có tới 219 tỷ tấn băng tan mỗi năm chỉ trong giai đoạn 2012-2017.

Nếu tính tổng cộng ở cả hai cực, mỗi năm có khoảng 666 tỷ tấn băng tan thành nước, đổ ra các đại dương.

Cập nhật: 08/03/2019 Theo TTXVN/Báo Tin Tức
  • 596