Nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy Đứt gãy San Andreas - được tạo ra bởi 2 mảnh vỏ Trái đất đang va chạm - tiềm tàng những mối đe dọa lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta biết về nó.
Theo Daily Mail, Đứt gãy San Andreas được biết đến với 2 phần tĩnh và một phần di chuyển chậm. Phần tĩnh được cho là những phần nguy hiểm bởi chúng đang mài vào nhau và từ từ tích tụ năng lượng, có thể gây ra động đất khổng lồ trong tương lai. Phần chuyển động chậm, nơi 2 mảng kiến tạo tìm được đường để trượt lên nhau, thường giải phóng năng lượng thông qua những cơn rung động nhỏ nên ít nguy hiểm.
Đứt gãy Andreas với phần màu đỏ là phần tĩnh, phần vàng là phần động - (Ảnh: Daily Mail).
Tuy nhiên phân tích mới cho thấy chính phần chuyển động chậm đó cũng tiềm ẩn thảm họa.
Phần chuyển động chậm này nằm ở phần trung tâm của đứt gãy dài 800 dặm và hiện 2 mảng kiến tạo đang trượt qua nhau với tốc độ ổn định 26 mm/năm.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa chất học động đất Genevieve Coffey từ GNS Science ở New Zealand đã lấy mẫu đá ở độ sâu 2 dặm dưới bề mặt khu vực chuyển động "bình yên" này nhận thấy chỉ trong vòng vài trăm năm, đã từng có những trận động đất lớn xảy ra ở đây chứ không phải cách đây hàng triệu năm như tính toán trước đó.
Trong đó, có những trận động đất lên tới 7 độ richter. Dữ liệu này được phản ánh trong các phân tích hóa học giúp đo độ nóng của đá trong các trận động đất trước đây.
Như vậy, tin xấu là California có thể phải sẵn sàng để đón "Big One", một trận động đất giả thuyết không chỉ gây ra bởi 2 phần tĩnh ở cực Nam và cực Bắc đứt gãy, mà bởi cả 3 phần.
Trước đó, vào năm 1906, một trận động đất thảm khốc lên tới 7,9 độ Richter đã xảy ra ở San Francisco, gần như san bằng thành phố ở khu vực phía Bắc của đứt gãy này.
Mảng kiến tạo chính là các mảnh vỏ Trái đất. Trái đất ước tính có 15-20 mảnh vỏ như thế, không ngừng trượt lên nhau. Hoạt động kiến tạo mảng rất quan trọng để hành tinh giữ được khí quyển và khí hậu ổn định, giúp duy trì sự sống, nhưng cũng gây ra những biến động địa chất đáng lo ngại như động đất.