Trong khi vị PGS của trường Đại học Khoa học Tự nhiên khẳng định rằng, hàm lượng asen trong nước ăn uống ở mức dưới 0,05mg/l vẫn an toàn thì đại diện Bộ Y tế khẳng định, tiêu chuẩn 0,01mg/l đưa ra là mới là an toàn.
>>> Hoang mang vì nước sinh hoạt nhiễm độc
Việc đóng cửa Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 do hàm lượng asen vượt tiêu chuẩn 1,8 lần đang khiến nhiều người lo lắng.
Liên quan tới việc trạm cấp nước Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị đóng cửa do hàm lượng asen trong nước vượt quá tiêu chuẩn của Bộ Y tế tới 1,8 lần, trả lời phỏng vấn Báo VietNamNet, PGS Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa, Đại học KHTN khẳng định, hàm lượng asen trong nước cao gấp 2 lần là “vẫn trong ngưỡng an toàn”.
PGS Côn dẫn chứng rằng, theo các nghiên cứu tại Bangladesh, những người sử dụng nước có hàm lượng asen dưới 0,05mg/l thì sau 5-10 năm vẫn không có dấu hiệu của bệnh nhiễm asen (arsenicosis). Chỉ những người sử dụng nước nhiễm asen ở mức trên 0,05mg/l và đặc biệt là cỡ 0,1mg/l thì mới xuất hiện biểu hiện bệnh nhiễm asen sau khoảng 3- 5 năm sử dụng.
Phản bác quan điểm này, PGS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khẳng định, đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy sử nước ăn uống nhiễm asen gây ảnh hưởng tới sức khỏe với các mức độ khác nhau. Ảnh hưởng có hại này tùy thuộc vào thời gian phơi nhiễm, mức độ phơi nhiễm, nồng độ asen trong nước ăn uống.
Thừa nhận rằng, tác động tới sức khỏe của việc phơi nhiễm với asen với nồng độ thấp dưới 0,05mg/l hiện có ít bằng chứng hơn song ông Nga cho rằng, nguyên nhân có thể là do tác động của nó chủ yếu xảy ra ở mức độ tế bào mà mắt thường chúng ta không nhận thấy được.
“Asen được biết là chất có khả năng tích lũy trong cơ thể và có tác dụng ức chế 200 loại enzyme khác nhau, từ đó ảnh hưởng tới các phản ứng hóa học và các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy asen với nồng độ rất thấp, dưới 0,02 mg/l đã có thể gây rối loạn nội tiết”, ông Nga dẫn chứng.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế. (Ảnh:Vietnam+)
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Environment Health Perspect, được tiến hành tại 42 làng của Đài Loan vào năm 2000 cho thấy, với tiêu chuẩn cho phép đối với asen trong nước ăn uống là 0,05mg/l thì sẽ gia tăng đáng kể nguy cơ gây ung thư cho cộng đồng và sẽ không đủ khả năng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ông Nga dẫn chứng thêm.
Trong lập luận của mình, PGS Trần Hồng Côn cũng cho rằng, người dân tại sống tại Khu đô thị Mỹ Đình 2 không cần quá lo lắng vì tại một số giếng tư nhân của Mỹ cũng như một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, người ta vẫn dùng tiêu chuẩn 0,05 mg/l và dưới ngưỡng này thì vẫn an toàn.
Về vấn đề này, PGS Nguyễn Huy Nga khẳng định, tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (USEPA) đã giảm tiêu chuẩn asen trong nước ăn uống từ 0,05 mg/l xuống 0,01 mg/l vào năm 2001 và hướng tới quy định bằng 0. Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các nhà máy nước cung cấp nước ăn uống trên toàn liên bang (public water suppliers) và không có ngoại lệ.
“Đối với nước giếng tư nhân, do Mỹ làm tốt việc bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm do vậy việc có quy định tiêu chuẩn đối với asen hay không và ở mức nào là tùy theo từng bang”, ông Nga nói.
Thừa nhận rằng, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo mức 0,01 mg/l là mức tuyệt đối an toàn, không có một rủi ro nào khác, song PGS Côn cho rằng, Việt Nam chỉ áp dụng các khuyến cáo của WHO chứ không có bất cứ nghiên cứu cụ thể nào về việc tại Việt Nam, với điều kiện thể trạng, kinh tế, vệ sinh dịch tễ của người Việt.
Tiêu chuẩn asen cho nước sinh hoạt tại các hộ gia đình nông thôn vẫn là 0,05 mg/l.
Hơn nữa, PGS Côn cũng cho rằng, trước đây, Việt Nam cũng từng dùng tiêu chuẩn 0,05 mg/l một thời gian dài rồi mới hạ xuống mức 0,01 mg/l như hiện nay. Và hiện tại, tiêu chuẩn asen trong nước sinh hoạt do hộ gia đình tự khai thác ở nông thôn vẫn áp dụng tiêu chuẩn này (QCVN 02: 2009/BYT).
“Đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy, hàm lượng asen 0,05mg/l thì vẫn chưa đến mức nguy hiểm. Bởi lẽ, hiện nay, tại nông thôn, chúng ta vẫn đang sử dụng ngưỡng này. Không lẽ, người dân ở nông thôn thì khỏe hơn người ở thành thị?”, PGS Trần Hồng Côn đặt vấn đề.
Về vấn đề này, PGS Nguyễn Huy Nga cũng thừa nhận rằng, việc đặt tiêu chuẩn 0,05mg/l cho nước ở nông thôn là một sự “nhân nhượng” vì điều kiện xử lý nước ở nông thôn không được bằng đô thị.
Tuy nhiên, đại diện ngành y tế cũng khẳng định, khi xây dựng hướng dẫn tiêu chuẩn nước ăn uống WHO cũng khuyến nghị các nước có thể căn cứ khả năng thực tế của mỗi quốc gia (ví dụ công nghệ xử lý nước, điều kiện kinh tế xã hội, mức độ nhiễm asen…) để xem xét áp dụng cho phù hợp.
Đến nay đã có nhiều nước áp dụng tiêu chuẩn asen 0,01mg/l như các quốc gia châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Tại Australia quy định asen chỉ còn là 0,007mg/l.
“Đối với Việt Nam, do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề do vậy nước ngầm do hộ gia đình khai thác cần phải có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp hơn để sử dụng cho mục đích sinh hoạt”, ông Nga giải thích.