Hàng triệu người Bangladesh phải dùng nước nhiễm độc hàng ngày

  •  
  • 788

Những người nghèo phải dùng nước nhiễm asen, trong khi hai thập kỷ trước, chất này đã được biết tới là nguyên nhân gây ung thư.

Bangladesh đã thất bại trong nỗ lực thực hiện các biện pháp cơ bản cần thiết để giải quyết những vấn đề dân sinh khiến ít nhất 43.000 người chết mỗi năm, Washington hôm nay trích nguồn tin Human Rights Watch (HRW). Hầu hết số người chết là người nghèo khó.

Theo thống kê của HRW, nhiều người trong số 20 triệu dân nghèo Bangladesh phải dùng nước nhiễm asen, chất độc có thể gây ung thư.

Nguồn gốc vấn đề nước nhiễm độc ở Bangladesh bắt nguồn từ những năm 1970 khi chính phủ khoan nhiều giếng nước nông để dân có thể sử dụng. Nhưng đất nhiều vùng tại quốc gia này có chứa nhiều asen tự nhiên.

HRW cho rằng Bangladesh đã không thực hiện những biện pháp cụ thể để loại asen ra khỏi đất.

Hàng triệu người nghèo ở Bangladesh phải dùng nước nhiễm asen.
Hàng triệu người nghèo ở Bangladesh phải dùng nước nhiễm asen. (Ảnh: SCMP).

Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hợp Quốc gọi việc dùng nước nhiễm asen ở Bangladesh là "ngộ độc lớn nhất trong lịch sử của một cộng đồng người".

Tiếp xúc lâu dài với asen có thể gây ra bệnh ung thư gan, thận, bàng quang, da và bệnh tim. Tuy nhiên, HRW cho rằng nhiều người nghèo ở Bangladesh không thể tiếp cận dịch vụ y tế. Nước nhiễm asen cũng được coi là nguyên nhân khiến phụ nữ dễ sảy thai, trẻ sơ sinh thiếu cân nặng hoặc phát triển nhận thức kém.

Tổ chức này tuyên bố hàng triệu người Bangladesh sẽ chết nếu chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế không sớm can thiệp.

Tariqul Islam, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chicago, Mỹ, cho biết asen là loại chất độc ngấm chậm, nạn nhân sẽ bị hàng loạt chứng bệnh đe dọa tính mạng trước khi nhận ra nguyên nhân.

Chính phủ Bangladesh cho biết nước này đã khoan 21.000 giếng khoan nước sâu để khắc phục tình trạng trên và đang thử nghiệm một số giếng khoan nông nhưng có nước sạch.

Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của Bangladesh tiết lộ các nhà lập pháp quyết định 50% số lượng giếng khoan do chính phủ tài trợ sẽ được đặt ở đâu. Họ thường đặt giếng nước sạch tại nơi có nhiều người ủng hộ mình, thay vì đưa giếng đến những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất.

Theo các nhà khoa học, con người không thể nhận biết được asen trong nước qua cảm quan. Kể cả nước trong và có cảm giác sạch vẫn có thể chứa chất độc này. Việc đun sôi và lọc vi trùng cũng không loại được asen, mangan và một số kim loại nặng khác.

Asen độc gấp 4 lần thuỷ ngân và tác động xấu đến hệ tuần hoàn, thần kinh. Nếu bị nhiễm độc từ từ, tuỳ theo mức độ độc và thể trạng mỗi người, bệnh tật có thể xuất hiện như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, ung thư, giảm trí nhớ.

Cập nhật: 08/04/2016 Theo VnExpress
  • 788