Hàng loạt "sinh vật bí ẩn" được phát hiện nhờ công nghệ ADN mới

  •  
  • 350

Ngày càng có nhiều "loài bí ẩn" được phát hiện trong năm qua, với mã ADN khác với các loài đã được xác định dù có vẻ ngoài gần giống.

Gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra một số loài mới bao gồm lô hội, dơi mũi lá châu Phi và tắc kè hoa. Nếu nhìn bằng mắt thường, các loài này không có điểm gì khác so với các loài đã được xác định trước đó, theo Guardian.

Điều này khiến các nhà khoa học nghi ngờ Trái đất còn có nhiều loài sinh vật hơn nhiều so với con số đã được xác định hiện nay là 8,7 triệu loài. Một số loài đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa và cần được bảo vệ ngay lập tức.

Loài vượn cáo chuột Jonah chỉ mới được công bố vào mùa hè này nhưng hiện đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Voọc Popa là loài mới được phát hiện ở Myanmar.
Voọc Popa là loài mới được phát hiện ở Myanmar. (Ảnh: AFP).

Trong khi đó, voọc Popa mới được xác định ở Myanmar và trước đây bị nhầm lẫn với một loài khác. Chúng có tổng số lượng cá thể khoảng 200 con và có khả năng bị xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng do mất môi trường sống và nạn phá rừng.

Việc phát hiện ra những loài sinh vật mới một phần nhờ sự phát triển của kỹ thuật giải mã ADN, giúp phân biệt các loài sinh vật qua gene di truyền.

Các nhà khoa học dự kiến ​​công bố hàng nghìn phát hiện khác trong những năm tới, từ mẫu vật của các sinh vật sống và cho tới các mẫu vật trong bảo tàng.

"Mã vạch ADN là công cụ cho phép chúng tôi phát hiện sự khác biệt giữa các loài với tỷ lệ khác biệt nhỏ hơn trước đây, giống như kính hiển vi cho phép chúng tôi nhìn thấy các chi tiết nhỏ của cấu trúc bề mặt mà mắt thường không thể nhìn thấy", Brian Brown, chuyên gia côn trùng học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của hạt Los Angeles, Mỹ, cho biết.

Cập nhật: 28/12/2020 Theo Zing
  • 350