Hành tinh màu đen "nuốt chửng" 94% ánh sáng

  •   42
  • 6.596

NASA phát hiện một hành tinh khí khổng lồ có màu đen do nó hấp thụ 94% ánh sáng chiếu xuống bề mặt.

Kính viễn vọng Không gian Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện hành tinh kỳ lạ WASP-12b gần như hoàn toàn có màu đen, do nó hấp thụ 94% ánh sáng chiếu xuống bề mặt, International Business Times hôm 14/9 đưa tin. WASP-12b nằm cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng. Nó thuộc một lớp các hành tinh khí khổng lồ gọi là "sao Mộc nóng", có quỹ đạo gần ngôi sao chủ và bị đốt nóng đến nhiệt độ khắc nghiệt.

WASP-12b hấp thụ phần lớn ánh sáng chiếu xuống bề mặt.
WASP-12b hấp thụ phần lớn ánh sáng chiếu xuống bề mặt. (Ảnh: AFP).

Hầu hết các phân tử nằm ở phía ban ngày của WASP-12b, nơi có nhiệt độ trên 2.500 độ C, không thể tồn tại lâu dài. Điều này có nghĩa những đám mây giúp phản xạ ánh sáng vào không gian không thể hình thành. Vì vậy, ánh sáng xâm nhập xuống sâu bề mặt hành tinh, sau đó bị các nguyên tử hydro hấp thụ và chuyển hóa thành năng lượng.

"Chúng tôi không mong đợi tìm thấy một ngoại hành tinh tối tăm như vậy. Hầu hết các sao Mộc nóng phản xạ khoảng 40% ánh sáng sao", Taylor Bell tại Đại học McGill, Canada, cho biết.

Theo Bell, các nhà khoa học từng phát hiện nhiều sao Mộc nóng khác có màu đen đáng kể, nhưng chúng mát hơn nhiều so với WASP-12b. Đối với những hành tinh này, người ta cho rằng các đám mây và kim loại kiềm là nguyên nhân dẫn đến sự hấp thụ ánh sáng. Tuy nhiên, những thứ này không hoạt động trên WASP-12b vì nó quá nóng.

WASP-12b là hành tinh bị khóa thủy triều. Một nửa hành tinh luôn là ban ngày và nửa còn lại luôn là ban đêm. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai bên rất lớn, khoảng 1.000 độ C. Nguyên nhân là do WASP-12b bay quá gần ngôi sao chủ. Nó bị lực hấp dẫn của ngôi sao tác động mạnh đến nỗi bị nén ép thành hình dạng quả trứng.

Cập nhật: 18/09/2017 Theo VnExpress
  • 42
  • 6.596