Những ngôi sao có thể chuyển sang màu đỏ hồng khi nuốt chửng một hành tinh giàu sắt, tương tự như loài chim hạc có bộ lông hồng do ăn nhiều tôm.
Theo IFL Science, trong năm 2015, các nhà khoa học đặt ra giả thuyết lượng sắt lớn tìm thấy trên ngôi sao trẻ thuộc cụm sao Gamma Velorum có thể do ngôi sao nuốt chửng một hành tinh giàu sắt. Lý thuyết trên được củng cố khi các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều nguyên tố khác, vốn tồn tại trong các loại đá vũ trụ tồn tại xung quanh ngôi sao này.
Trong công bố đăng trên trang arXiv hôm 25/5, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Pisa, Italy mô phỏng những gì có thể xảy ra khi hành tinh hoặc thiên thể lớn bị nuốt chửng bởi một ngôi sao trẻ tương tự như trong cụm sao Gamma Velorum.
Một hành tinh đang bị nuốt dần bởi ngôi sao ở gần nó. (Ảnh: NASA).
"Từ trước tời giờ, chúng ta không có dữ liệu chi tiết về quá trình bồi tụ và cũng không thể quan sát trực tiếp từ kính thiên văn", tác giả nghiên cứu cho biết. "Kết quả này là nghiên cứu đầu tiên về tác động chính của quá trình diễn ra khi một ngôi sao nuốt hành tinh quay xung quanh".
Ngôi sao trẻ được nghiên cứu tương đối nhỏ, có khối lượng lớn gấp 1,2 - 1,3 Mặt Trời, và chỉ cần nuốt 1 hoặc 2 hành tinh là thay đổi đáng kể về thành phần hóa học. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào độ tuổi của ngôi sao.
Mô hình của các nhà khoa học chỉ ra, để có hàm lượng sắt cao như trong các ngôi sao trẻ thuộc cụm Gamma Velorum, ngôi sao phải nuốt 53 hành tinh giống Trái Đất nếu dưới 10 triệu năm tuổi. Sau 15 triệu năm tuổi, ngôi sao chỉ cần hai hành tinh cỡ Trái Đất là đủ để trải qua thay đổi lớn.
Lượng nguyên tố kim loại gia tăng giúp ngôi sao hấp thụ bức xạ bước sóng ngắn tốt hơn, và chúng ta sẽ thấy nó đỏ hơn. Màu đỏ hoặc hồng của ngôi sao tùy thuộc vào hàm lượng kim loại mà nó hấp thụ.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra bất kỳ ngôi sao nào cũng có khả năng nuốt chửng hành tinh. Ở thuở sơ khai khi mới hình thành, Mặt Trời đã nuốt chửng một vài hành tinh xung quanh nó.