Hành trình tìm vượn má trắng

  •  
  • 1.198

Các nhà khoa học leo lên núi cao từ mờ sáng, lắng nghe tiếng vượn hót để lần theo dấu vết, và cuối cùng họ đã tìm ra hơn bốn trăm con vượn má trắng quý hiếm và đang bị đe dọa tuyệt chủng.

>>> Phát hiện loài vượn quý hiếm ở Việt Nam

Ông Lưu Tường Bách, người phụ trách đoàn nghiên cứu của tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI), kể về chuyến đi phát hiện ra loài vượn quý hiếm tại vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An.

- CI đã thực hiện khảo sát và nghiên cứu vượn má trắng ở vườn quốc gia Pù Mát như thế nào?

Loài vượn má trắng được phát hiện tại vườn quốc gia Pù Mát ban đầu không được CI quan tâm lắm, vì lúc đó nó được xem là loài khác, có tên khoa học là Nomascus siki phân bố rất rộng.

Đến cuối năm 2010, nhóm nhà khoa học người Đức đã đưa ra nghiên cứu về gene và giọng hót của loài vượn tại Pù Mát và phát hiện được đây là loài vượn má trắng. Từ đây CI tập trung nghiên cứu loài động vật quý hiếm này bằng cách thiết lập các điểm nghiên cứu tại vườn quốc gia Pù Mát. Kết quả là chúng tôi đã phát hiện ra nơi đây có quần thể vượn đen má trắng lớn nhất Việt Nam so với thông tin từng công bố trước đó.

Chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát từ năm 2010 đến năm 2011, chia thành 4 đợt. Đoàn khảo sát thường chỉ có hai người của CI cùng thành viên khác của vườn quốc gia giúp đỡ. Chúng tôi đã điều tra từ phía bắc đến phía nam khu vườn Pù Mát trong 10 ngày liên tục. Từ đó thiết lập các điểm nghe trên bản đồ, sau đó chúng tôi đến từng điểm nghe và thu thập số liệu.

- Cụ thể, các ông đã đếm số lượng vượn má trắng bằng cách nào?

Thông thường để phát hiện ra loài động vật linh trưởng, các nhà nghiên cứu phải dựa vào âm thanh tiếng hót của chúng. Loài vượn này cũng vậy. Theo tập tính, vượn má trắng thường hót vào sáng sớm. Vườn quốc gia Pù Mát rộng tới hơn 90 nghìn ha, nên chúng tôi đã thiết lập các điểm nghe ngẫu nhiên, mỗi điểm nghe cách khoảng 6 km, dùng phương pháp thống kê ước lượng điểm nghe đó.

Hằng ngày chúng tôi leo lên ngọn núi cao, phải có mặt tại điểm đã định từ trước 5h sáng để nghe tiếng vượn hót. Bằng phương pháp nghe, phân tích, từng cán bộ có thể xác định được các cá thể vượn.

Loài động vật như vượn có tính lãnh thổ cao, mỗi đàn thường có từ hai con đực cái, sẽ hót để thông báo lãnh thổ của chúng. Nhóm khảo sát đã đếm 445 cá thể thuộc 130 đàn.

Hành trình tìm vượn má trắng
Vượn má trắng.
Ảnh: AFP.

- Tại sao Tổ chức bảo tồn quốc tế lại kêu gọi bảo vệ nghiêm ngặt cho vượn má trắng?

- Theo số liệu mà CI thu thập được, chỉ có khoảng 200 đàn trên lãnh thổ Việt Nam. Vượn má trắng là loài đặc hữu khu vực, nó phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào. Trong đó, ở Trung Quốc loài này gần như đã tuyệt chủng. Loài vượn má trắng không có nhiều giá trị kinh tế nhưng có giá trị lớn về mặt khoa học.

Có khoảng 20 loài linh trưởng ở Việt Nam, riêng vượn có 6 loài, phân bố từ tây bắc đến phía nam. Khu vực phân bố của chúng đang bị thu hẹp dần.

Số lượng đàn ngày càng giảm, trong khi mỗi đàn chỉ có một con đực, một con cái và một con non trưởng thành. Chúng sinh sản ít, mỗi năm chỉ một lứa, mỗi lứa chỉ một con nên nguy cơ suy giảm của loài này ở mức báo động.

- Theo ông nguyên nhân vì sao có tình trạng suy giảm?

- Lý do thứ nhất là bị săn bắt. Loài này đang trở thành đối tượng săn bắn của nhiều người, với mục đích làm thức ăn, làm cảnh trưng bày. Ngoài ra, vượn còn bị bắt để ngâm rượu.

Một nguyên nhân khác sinh cảnh sống của chúng bị ảnh hưởng từ hành vi của con người như: phát rừng làm rẫy, khai thác gỗ ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng, chia cắt sinh cảnh của chúng thành khu biệt lập, dẫn đến khả năng giao tiếp của chúng mất đi.

Tôi được biết, trong tương lai sẽ có một con đường được xây qua công viên Pù Mát. Đó là mối đe dọa đối với loài động vật này vì vượn má trắng di chuyển trên tán cây, con đường sẽ khiến khoảng cách các cây thưa dần, việc di chuyển của chúng gặp khó khăn.

Hành trình tìm vượn má trắng
Loài vượn má trắng có giá trị quan trọng về mặt khoa học. Ảnh: AFP.

- Chúng ta có thể làm gì để tránh cho vượn má trắng nguy cơ tuyệt chủng?

- Trước tiên, cần bảo vệ chặt chẽ khu vực có vượn sống, nghiêm cấm hoạt động săn bắt, trái pháp luật, làm gỗ. Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ cho người dân địa phương, để họ không dựa vào kinh tế rừng nữa.

Tôi hy vọng thời gian tới các tổ chức bảo vệ động vật trong nước và quốc tế quan tâm hơn nữa tới vấn đề này để có thể đầu tư nhân lực, tài chính, có những nghiên cứu dài hơi hơn để bảo vệ loài gene quý.

Ngược lại, trong tương lai gần, loài vượn má trắng sẽ biến mất.

Theo VnExpress
  • 1.198