Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự xuất hiện ngày càng nhiều những căn bệnh mới gây chết người như SARS và cúm gia cầm có thể liên quan đến tình trạng phá hoại môi trường.
Maria Neira, Giám đốc Ban Bảo vệ môi trường sống con người của WHO cho biết: “Sức khỏe con người liên hệ chặt chẽ với “sức khỏe” của các hệ sinh thái, vốn đáp ứng nhiều nhu cầu mang tính sống còn của chúng ta”. Báo cáo với sự đóng góp của hơn 1.300 chuyên gia khắp thế giới cho rằng quá trình gia tăng dân số và phát triển kinh tế đã làm biến đổi nhanh các hệ sinh thái trên toàn cầu và điều này ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Những nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, lương thực, nhiên liệu và khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh tật và duy trì sức khỏe tốt bởi nhiều căn bệnh ở người bắt nguồn từ động vật. Các bệnh như cúm, lao và sởi bộc phát trong dân số sau khi mầm bệnh “nhảy” từ vật nuôi gồm gà, gia súc và chó. Hệ quả của những hành động thiếu suy nghĩ của con người khiến cho cấu trúc của các hệ sinh thái trên thế giới đã thay đổi nhanh hơn trong nửa cuối thế kỷ 20 so với những giai đoạn khác trong lịch sử. Khoảng 60% nguồn lợi mà hệ sinh thái mang lại nhằm hỗ trợ sự sống trên Trái đất đã bị thoái hóa và lạm dụng quá mức. Những hậu quả tai hại đối với sức khỏe con người đã được nhận thấy và có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong 50 năm tới.
WHO cho rằng những khu vực đang đối mặt nguy cơ hệ sinh thái biến đổi cao nhất gồm vùng cận sa mạc Sahara ở châu Phi, Trung Á, nhiều khu vực thuộc Mỹ La tinh, Nam Á và Đông Nam Á. Neira cho rằng với người nghèo, họ có thể đối mặt với những vấn đề liên quan đến sản xuất lương thực, đặc biệt là hạn hán và lũ lụt. Và nguy cơ thiên tai đang tăng”. Một số vấn đề đáng quan ngại khác như dinh dưỡng khi trữ lượng cá sụt giảm trong khi diện tích đất canh tác ngày một thu hẹp là những nhân tố dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng của khoảng 800 triệu người trên khắp thế giới, gần như tất cả đều ở các nước nghèo. Mỗi năm, những căn bệnh truyền nhiễm liên quan đến nước đã cướp đi 3,2 triệu sinh mạng, chiếm khoảng 6% tổng số các ca tử vong. Hiện tại, hơn 1 tỉ người thiếu điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch và 2,6 tỉ người sống trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo.