Hiện tượng "lưỡi lạnh" kỳ lạ đang xảy ra ở Thái Bình Dương, các nhà khoa học chưa giải thích được

  •   52
  • 1.533

Phía đông Thái Bình Dương có một dòng nước đang ngày một lạnh đi, trái ngược với mô hình khí hậu của các nhà khoa học.

Bí ẩn "lưỡi lạnh" Thái Bình Dương

Trong nhiều năm, các mô hình khí hậu đã dự đoán khi lượng khí thải nhà kính tăng lên, nước biển các đại dương sẽ ấm lên, trong đó có Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tại một vùng của Thái Bình Dương, điều ngược lại đang xảy ra. Trải dài hàng nghìn km từ bờ biển Ecuador ở phía đông chảy về phía tây có một dòng nước đã nguội lạnh trong suốt 30 năm qua. Dòng nước này được các nhà khoa học gọi là "lưỡi lạnh" (cold tongue).

Vấn đề là quá trình làm lạnh dòng nước này bao giờ sẽ dừng lại, hoặc liệu nó có đột ngột chuyển sang trạng thái nóng lên hay không?

Ông Pedro DiNezio tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ) nói đây là câu hỏi quan trọng nhất chưa được khoa học khí hậu trả lời.

Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất, sâu nhất trên Trái đất. Diện tích bề mặt của nó lớn hơn tất cả các vùng đất cộng lại. Cũng vì vậy mà khoa học gặp nhiều khó khăn khi muốn nắm bắt cách nó sẽ phản ứng với khí nhà kính ngày càng tăng trong khí quyển.

"Lưỡi lạnh" Thái Bình Dương là một dòng biển lạnh chảy từ Ecuador
"Lưỡi lạnh" Thái Bình Dương là một dòng biển lạnh chảy từ Ecuador - (Ảnh: SHUTTERSTOCK).

Ông Richard Seager tại Đại học Columbia ở New York là một trong những người đầu tiên cảnh báo vào năm 1997: vùng xích đạo Thái Bình Dương đang lạnh đi, một xu hướng không thấy trong các mô hình khí hậu.

Kể từ đó dữ liệu về nhiệt độ mặt nước biển đã xác nhận những nghi ngờ của ông Seager.

Đông Thái Bình Dương (gần châu Mỹ) luôn lạnh hơn trung bình so với phần phía tây của đại dương (gần châu Á) 5 - 6°C. Nhưng từ năm 1980 đến 2019, chênh lệch nhiệt độ này đã tăng thêm khoảng 0,5°C.

Mô hình khí hậu sai lệch?

Ngày nay, ngày càng có nhiều nhà khoa học chia sẻ những nghi ngờ của ông Seager về nhiệt độ của "lưỡi lạnh".

Nếu các mô hình khí hậu không phản ánh được "lưỡi lạnh", chúng có thể gây hiểu nhầm nghiêm trọng về khí hậu.

Cô Isla Simpson tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ cho biết: "Chúng ta cần tìm hiểu xem đó là gì". Điều này thực sự quan trọng vì "lưỡi lạnh" sẽ có những tác động to lớn đối với tương lai khí hậu của Trái đất.

Vùng nước ấm lên ở phía tây Thái Bình Dương và vùng nước lạnh hơn ở phía đông dẫn đến nhiều đám mây hơn trên những dải đất rộng lớn ở phía đông Thái Bình Dương.

Ông David Battisti tại Đại học Washington ở Seattle cho biết cường độ mây nhiều hơn đồng nghĩa với việc ánh sáng Mặt trời bị phản chiếu nhiều hơn. Nói cách khác, phía đông Thái Bình Dương lạnh đi sẽ làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu.

Theo các nhà khí hậu, nếu "lưỡi lạnh" tiếp tục lạnh hơn, nó có thể làm giảm mức độ nóng lên toàn cầu dự kiến tới 30% so với dự đoán từ các mô hình khí hậu.

Điều đó cũng có nghĩa trạng thái cơ bản của khí hậu sẽ giống với La Niña hơn, làm tăng nguy cơ hạn hán ở vùng Sừng châu Phi và Tây Nam nước Mỹ - cũng đồng nghĩa với việc sẽ diễn ra siêu hạn hán vĩnh viễn ở Mỹ.

Mặt khác nếu các mô hình khí hậu hoạt động đúng và phía đông Thái Bình Dương ấm lên, tốc độ nóng lên toàn cầu sẽ cao hơn và sẽ có những tác động khu vực khác nhau.

Lúc này trạng thái cơ bản của khí hậu sẽ giống El Niño hơn, làm tăng hiện tượng tẩy trắng rạn san hô, khiến Amazon trở nên nóng hơn và khô hơn; gây ra nhiều hạn hán hơn cho Úc và Indonesia. Đồng thời dẫn đến những đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Ấn Độ.

Trong khi đó các khu vực ở châu Mỹ sẽ hứng chịu nhiều cơn bão hơn. Bão kèm mưa lớn dẫn đến lũ lụt và lở đất nghiêm trọng ở các quốc gia như Peru và Ecuador.

Các nhà nghiên cứu phát hiện "lưỡi lạnh" lần đầu tiên vào những năm 1990, khi đó họ đã coi nó là sự biến đổi cực đoan tự nhiên của khu vực.

Mọi thay đổi của "lưỡi lạnh" này có ý nghĩa toàn cầu. Nó có thể quyết định liệu California có bị hạn hán triền miên, hay cháy rừng chết chóc bao vây nước Úc, hoặc cường độ gió mùa ở Ấn Độ và nguy cơ xảy ra nạn đói ở vùng Sừng châu Phi...

Nó thậm chí có thể thay đổi mức độ biến đổi khí hậu trên toàn cầu, với lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng.

Cập nhật: 04/08/2023 Tuổi Trẻ
  • 52
  • 1.533