Hố hình phễu khổng lồ và mối hiểm họa địa chất khó lường

  •  
  • 2.100

Các nhà khoa học dự đoán rằng hiện tượng bất thường này sẽ còn xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc trong tương lai.

Trái đất thường xuyên chứng kiến những hiện tượng lạ khiến bạn vô cùng kinh ngạc khi được "mắt thấy tai nghe".

 Miệng hố bí ẩn ở Siberia.
Miệng hố bí ẩn ở Siberia. (Ảnh: AP)

Một trong số đó là những hố sâu khổng lồ có hình phễu, rộng từ 50 - 100m. Xung quanh hố là đất đá và các mảnh băng vỡ vụn, khiến người ta nghĩ rằng đây là hậu quả của một vụ va chạm thiên thạch.

Tuy nhiên, nhận định này là hoàn toàn sai lầm. Các nhà khoa học đã vào cuộc và nhanh chóng giải thích được toàn bộ câu chuyện đằng sau những chiếc hố bí ẩn.

Hóa ra, đây là hiện tượng tự nhiên, có tên khoa học "cryovolcanism" (tạm dịch: phun trào băng giá). Chúng thường xảy ra tại những vùng có khí hậu lạnh giá và khắc nghiệt nhất trên Trái Đất, như Siberia, với nhiệt độ trong mùa đông có thể xuống tới mức -39 độ C.

Hình ảnh mô tả lại hiện tượng vụ nổ "cryovolcanism".
Hình ảnh mô tả lại hiện tượng vụ nổ "cryovolcanism". (Ảnh: NASA)

Vào mùa hè, các vụ phun trào băng giá hình thành ngay phía bên dưới mặt đất, do sự chênh lệch nhiệt độ giữa phần bề mặt (nóng) và bên dưới lớp đất (lạnh). Hệ quả dẫn tới một vụ nổ khí, thường là khí metan lâu ngày bị nén kín bởi khối băng dưới lòng đất.

Năm 2017, một trong những vụ nổ "cryovolcanism" đã được người dân địa phương ở Siberia chứng kiến, khi một ụ đất nhô lên cao như một quả đồi trước khi nó phát nổ.

Vụ nổ ném đất và các mảnh băng vỡ ra xung quanh hàng trăm mét, tạo ra những hố sâu tới hàng chục mét và rộng lên tới 100m.

Miệng hố rộng 40 mét phát hiện năm 2014 được cho là tạo thành từ một vụ nổ "cryovolcanism".
Miệng hố rộng 40 mét phát hiện năm 2014 được cho là tạo thành từ một vụ nổ "cryovolcanism".

Các nhà khoa học cũng dự đoán rằng vụ nổ "cryovolcanism" sẽ còn xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc trong tương lai.

Nguyên nhân là bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là sự ấm lên đang làm tan các lớp băng vĩnh cửu dưới mặt đất và làm trầm trọng thêm nguy cơ xuất hiện của các hiểm họa địa chất.

Trong đó, các khu vực lãnh nguyên Bắc Cực, phía bắc vùng Tây Siberia là vùng chứa nhiều điều kiện hoàn hảo cho các vụ nổ "cryovolcanism" được hình thành.

Cập nhật: 04/10/2021 Theo Dân Trí
  • 2.100