Hóa chất trong hộp xốp, kem đánh răng có thể gây tử vong sớm

  •  
  • 1.001

Nhóm chuyên gia tại Mỹ cảnh báo các hóa chất tổng hợp phthalates có trong hộp xốp nhựa, kem đánh răng, dầu gội, nước hoa góp phần khiến hàng chục nghìn người tử vong sớm mỗi năm.

Nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Environmental Pollution ngày 11/10. Các hóa chất tổng hợp phthalates được chứng minh là có thể góp phần gây ra 91.000-107.000 ca tử vong sớm mỗi năm tại Mỹ trong nhóm tuổi 55-64 tuổi.

Dữ liệu mới về tác động của phthalates

CNN dẫn lời GS.TS Leonardo Trasande, Trường Y Grossman, Đại học New York, Mỹ, tác giả chính của bài báo: “Đến nay, chúng ta đều biết các chất hóa học có liên quan bệnh tim - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Song, chúng tôi chưa kết luận người ăn phải/tiếp xúc hóa chất này sẽ tử vong".

Nguyên nhân mà nhóm tác giả không kết luận quan hệ nhân quả trực tiếp giữa phơi nhiễm phthalates và tử vong sớm là cơ chế sinh học để giải thích mối liên hệ vẫn chưa rõ ràng. Họ sẽ nghiên cứu sâu hơn về tác động của hóa chất này với việc điều hòa hormone và phản ứng viêm trong cơ thể.

Song, GS Trasande cũng nhấn mạnh "nghiên cứu này bổ sung vào cơ sở dữ liệu tiêu cực về tác động của phthalates với cơ thể".

Nhóm tác giả thực hiện trên 5.000 người trưởng thành (55-64 tuổi), thu thập mẫu nước tiểu của họ từ năm 2001 đến 2010. Kết quả cho thấy trường hợp có nồng độ phthalates cao nhất trong nước tiểu đi kèm khả năng tử vong sớm vì bệnh tim nhiều hơn so với nhóm còn lại. Tuy nhiên, theo Eurekalert, hàm lượng chất độc cao không làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư.

Nghiên cứu ước tính các ca tử vong do phthalates có thể khiến Mỹ thiệt hại khoảng 40-47 tỷ USD/năm.

Hộp xốp
Các hóa chất tổng hợp Phthalates thường có trong hộp xốp đựng thức ăn và nhiều sản phẩm đồ dùng quen thuộc hàng ngày.

Phthalates là nhóm lớn các hóa chất thường được sử dụng để làm mềm nhựa. Nó có trong đồ chơi, lớp phủ tường, chất tẩy rửa, dầu bôi trơn, bao bì thực phẩm, dược phẩm, túi chứa máu, đường ống truyền, hộp xốp đựng thức ăn.

Nó cũng là chất dùng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như sơn móng tay, keo xịt tóc, kem đánh răng, kem dưỡng da sau cạo râu, xà bông, dầu gội, nước hoa… Loại phthalates phổ biến nhất được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da là diethyl phthalates (DEP).

Sự can thiệp nội tiết tố của thai nhi đến từ các hóa chất trong sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Chúng được gọi là các hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC). Chúng ta tiếp xúc chúng qua ăn uống, hít thở, sản phẩm bôi lên da. Trong nhiều trường hợp, nó được gọi là “hóa chất có ở khắp mọi nơi”, bởi rất khó để tìm một sản phẩm trong thế giới hiện đại không chứa hóa chất phthalates.

Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Mỹ, ngay cả khi có sự tiếp xúc gián đoạn, phthalates cũng gây ra các tác động sinh học đáng kể. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra phthalates có mối liên hệ mật thiết mới vấn đề sinh sản như dị tật bộ phận sinh dục, teo tinh hoàn ở bé trai, giảm lượng tinh trùng, nồng độ testosterone ở nam giới trưởng thành. Nó cũng liên quan bệnh béo phì ở trẻ em, hen suyễn, vấn đề tim mạch, ung thư khác.

Ngoài ra, loại nhựa polystyrene đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư thế giới (ICRA - International Agenecy for Research on Cancer) phân loại thuộc nhóm 2B - nhóm chất có khả năng gây ung thư trên người. Phơi nhiễm polystyrene có thể gây đột biến gene, phá hủy DNA, nguy cơ gây bệnh ung thư.

Tuy nhiên, mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa việc phơi nhiễm polystyrene và ung thư vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa sáng tỏ.

Tinh trùng
Nam giới đang đứng trước nguy cơ vô sinh vì những hóa chất có trong mọi sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. (Ảnh: Freepik).

Giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất độc hại thế nào?

Hiện nay, Mỹ, Australia và một số nước ở châu Âu đã cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản phẩm chăm sóc, mỹ phẩm. Tuy nhiên, việc ban hành luật về sản xuất và phân phối các sản phẩm chứa hạt vi nhựa vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam.

Ở Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA - Food and Drug Administration) đã cấm sử dụng hóa chất phthalates trong chai lọ và cốc nhựa từ năm 2012.

Tuy nhiên, không phải nước nào trên thế giới cũng yêu cầu và đảm bảo được điều đó. Do vậy, việc kiểm tra thành phần sản phẩm cũng phần nào hạn chế được việc sử dụng hạt vi nhựa.

GS Trasande khuyến cáo chúng ta có thể giảm thiểu việc tiếp xúc phthalate và các chất gây rối loạn hormone khác (như bisphenol A/BPA - chất được tìm thấy trong lớp lót của hàng đóng hộp và hóa đơn giấy) bằng các cách dưới đây:

  • Xem thành phần trong sản phẩm sử dụng có chứa Polyethylene, Polypropylene, Polyethylene terephthalate, Poly (methyl methacrylate), Polystyrene, Axit polylactic (PLA).
  • Sử dụng phần mềm quét mã vạch sản phẩm sẽ biết được chúng đó có hạt vi nhựa hay không, mang tên “Beat the microbeads” (được phát triển bởi UNEP).
  • Hạn chế sử dụng đồ nhựa càng nhiều càng tốt.
  • Tuyệt đối không cho hộp nhựa vào lò vi sóng hoặc máy rửa bát, nơi nhiệt có thể phá vỡ lớp lót để chúng có thể được hấp thụ dễ dàng hơn.
  • Nên nấu ăn ở nhà và giảm sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có thể làm giảm mức độ phơi nhiễm hóa chất mà bạn tiếp xúc.
  • Sử dụng sữa tắm, bột giặt, sản phẩm tẩy rửa không mùi, ưu tiên đồ thiên nhiên
  • Sử dụng thủy tinh, thép không gỉ, gốm hoặc gỗ để đựng và bảo quản thực phẩm.
  • Mua trái cây và rau tươi hoặc đông lạnh thay vì các phiên bản đóng hộp và chế biến.
  • Khuyến khích rửa tay thường xuyên để loại bỏ hóa chất trên tay.
  • Tránh các chất làm mát không khí và tất cả loại nhựa có nhãn số 3, số 6 và số 7.

Vì sao Muay Thái lại có tiếng nhạc cổ vũ như... đám ma?

Câu chuyện về cây cầu hoàn hảo nhưng vô dụng nhất thế giới

Kim tự tháp Ai Cập thực sự có phải do hàng trăm nghìn nô lệ xây dựng?

Cập nhật: 15/10/2021 Theo Zing
  • 1.001