Hoạn quan đẹp trai bị đồn có con riêng với Từ Hy Thái hậu

  •  
  • 3.051

Cuối thời phong kiến Trung Quốc, nhà Thanh rơi vào vòng xoáy bất ổn, Từ Hy Thái hậu ngày đêm vui đùa cùng hoạn quan, bỏ bê triều chính, gián tiếp khiến cho người phương Tây can thiệp.

An Đức Hải (1844-1869) là hoạn quan phục vụ trong triều đình Nhà Thanh và là một trong những người thân cận được Từ Hy Thái hậu sủng ái nhất. Có thông tin nói rằng An Đức Hải là hoạn quan giả, vào cung để phục vụ Hoàng thái hậu.

Hoạn quan được Thái hậu hết mực sủng ái

An Đức Hải là một trong những hoạn quan được Từ Hy Thái hậu sủng ái nhất.
An Đức Hải là một trong những hoạn quan được Từ Hy Thái hậu sủng ái nhất. (Ảnh minh họa từ phim truyền hình Trung Quốc).

Theo báo chí Trung Quốc, An Đức Hải sớm mồ côi cha mẹ từ nhỏ và bị đem bán qua hết người này đến người cho đến khi vào cung làm thái giám năm 8 tuổi.

Bước ngoặt cuộc đời An Đức Hải đến vào năm 1861, khi hoạn quan này mới 17 tuổi. Vua nhà Thanh Hàm Phong qua đời dẫn đến khoảng trống quyền lực lớn.

An Đức Hải là một trong những trợ thủ đắc lực giúp Từ Hy Thái hậu và Từ an Thái hậu tiến hành đảo chính, thâu tóm quyền lực. Bản Thân An Đức Hải trở thành Tổng quản thái giám của triều đình nhà Thanh.

Theo sử liệu Trung Quốc, An Đức Hải là người vô cùng trung thành, tận tụy và biết chiều lòng chủ nhân. Biết Từ Hy Thái hậu thích xem kịch, An Đức Hải cho xây dựng sân khấu kịch rộng lớn, lộng lẫy ngay trong hậu cung.

Người trong chốn kinh thành đồn với nhau rằng, Từ Hy Thái hậu ân sủng An Đức Hải đến mức cho hoạn quan này mặc long bào, thưởng nhiều châu báu, ngọc ngà. Những lời nói của An Đức Hải có “trọng lượng” không khác gì thánh chỉ. Hàng ngày, cả hai người vui đùa ở ngự hoa viên.

Thái giám họ An được miêu tả là một người sở hữu gương mặt tuấn tú với dáng vẻ thư sinh, hát kịch rất hay. Nhiều người nói rằng sở dĩ Từ Hy sủng ái An Đức Hải như vậy là vì họ An vốn không phải là một thái giám thực sự.

Nhân vật An Đức Hải trong phim truyền hình Trung Quốc.
Nhân vật An Đức Hải trong phim truyền hình Trung Quốc.

Trong giai đoạn cuối thời nhà Thanh, việc tịnh thân của thái giám không được giám sát chặt chẽ. Quá trình tịnh thân “không sạch sẽ” có thể khiến An Đức Hải vẫn còn khả năng của một người đàn ông. Thậm chí có tin đồn rằng Từ Hy còn có con riêng với hoạn quan An Đức Hải.

Sử sách Trung Quốc không hề ghi chép về vấn đề này. Nhưng theo các sử gia hiện đại, những câu chuyện như vậy phần nào phản ánh sự sủng ái mà từ Hy dành cho An Đức Hải và việc Từ Hy Thái hậu khuynh đảo chốn hậu cung.

Cái chết cay đắng

Ngày ngày ở gần bên Từ Hy Thái hậu, An Đức Hải dần tỏ thái độ khinh thường các vị đại thần trong triều, thậm chí còn đắc tội với cả vài vị vương gia, bao gồm Cung Thân vương Dịch Hân.

Một lần nọ, Cung Thân vương tới xin cầu kiến Thái hậu, nhưng Từ Hy lại phái người ra nói rằng mình đang bận chuyện với An Đức Hải nên không gặp. Sự việc đó khiến Cung Thân vương cảm thấy mình bị sỉ nhục, đem lòng oán hận An Đức Hải, tìm mọi cách loại trừ bằng được Tổng quản thái giám đang rất được Từ Hy Thái hậu sủng ái này.

Năm 1869, cảm thấy ngột ngạt do ở mãi trong cung cấm, An Đức Hải muốn ra ngoài du ngoạn nên đã xin phép Từ Hy Thái hậu xuống Giang Nam may long bào, mua sắm.

Được Từ Hy cho phép, An Đức Hải quên mất rằng mình đã vi phạm quy định của tiên đế nhà Thành, rằng phận thái giám không bao giờ được phép ra khỏi cung.

Tự xưng là quan khâm sai, nhưng An Đức Hải không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh, trên đường lại diễu võ giương oai.

Đây được coi là cơ hội ngàn năm có một để Cung Thân vương kiếm cớ trả thù. Khi đi qua Sơn Đông, An Đức Hải lập tức bị Tuần phủ Đinh Bảo Trinh bắt giữ.

Đinh Bảo Trinh cực kỳ căm ghét những kẻ mượn danh nghĩa Từ Hy ngạo mạn vô lễ, dọa nạt kẻ khác như An Đức Hải. Vì vậy quan tuần phủ đem chuyện này báo lại với Cung Thân vương.

Từ Hy Thái hậu hết sức căm phẫn khi biết tin An Đức Hải bị hại chết.
Từ Hy Thái hậu hết sức căm phẫn khi biết tin An Đức Hải bị hại chết. (Ảnh minh họa).

Khi bản tấu vạch tội An Đức Hải tới tay Cung Thân vương thì Từ Hy đang bận xem kịch. Cung Thân vương liền xin chỉ dụ của Từ An Thái hậu để có thể xử tử An Đức Hải ngay trong đêm.

Từ An Thái hậu bất đắc dĩ phải đồng ý, nhưng vẫn tỏ ra lo sợ khi ra chỉ dụ, “Tây Thái hậu sẽ giết ta vì chuyện này mất”.

Từ Hy Thái hậu không hề biết về chuyện hoạn quan An Đức Hải bị xử tội chém đầu. Sự việc chỉ đến tai Thái hậu khi một thái giám trong đoàn tùy tùng của An Đức Hải về được đến kinh thành bẩm báo.

Sau khi hỏi rõ mọi việc, Từ Hy nổi giận đùng đùng, lập tức chạy sang Nhân Thọ cung, tỏ ý trách móc Từ An Thái hậu. Từ An thấy Từ Hy nổi giận thì đem mọi chuyện đổ sang cho Cung Thân vương. Trước khi phất áo ra về, Từ Hy thề rằng sẽ báo thù.

Có thể sự kiện An Đức Hải bị xử tử trở thành một bước ngoặt lớn trong quãng thời gian nắm quyền của Từ Hy.

Từ Hy Thái hậu âm thầm thâu tóm quyền lực, không tin tưởng một ai. Nhiều người còn nói rằng, cái chết của Từ An Thái hậu sau này cũng là do Từ Hy gây ra nhằm trả thù chuyện xưa.

Hoạn quan là những người không thể thiếu trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Họ thường là người thân cận, được hoàng đế tin dùng, nên dễ dẫn đến lộng quyền, nắm đại quyền, thậm chí có thể phế bỏ hoàng đế. Loạt bài này sẽ kể lại chuyện về những hoạn quan khét tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Cập nhật: 07/12/2017 Theo Dân Việt
  • 3.051