Hoạn quan ngoại quốc đưa cả một triều đại Trung Hoa đến chỗ sụp đổ

Vị thái giám ngoại quốc đầu tiên khiến cả một triều đại Trung Hoa sụp đổ
  •  
  • 5.462

Thái giám ngoại quốc đầu tiên của Trung Quốc là người giúp sức tích cực khiến triều đại nhà Nguyên sụp đổ, chấm dứt sự cai trị của người Mông Cổ với Trung Hoa.

Theo trang mạng Guoqing (Trung Quốc), sử sách Trung Quốc ghi nhận hoạn quan ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa là Phác Bất Hoa (Park Bul-hwa), xuất thân là người Cao Ly (Triều Tiên ngày nay).

Phác Bất Hoa chào đời vào những năm đầu của thời vua Nguyên Văn Tông (1304-1332). Năm 7 tuổi, Phác Bất Hoa tịnh thân rồi được đưa vào phục vụ trong triều Nguyên.

Nhân vật Phác Bất Hoa trong phim truyền hình.
Nhân vật Phác Bất Hoa trong phim truyền hình.

Đây là triều đại mà người Mông Cổ kiểm soát toàn bộ Trung Quốc, sau khi diệt Nam Tống vào năm 1279.

Một cô gái cùng vào cung cùng Phác Bất Hoa lúc đó là Kỳ Lạc. Sau này, hai người trở thành bạn thân. Kỳ Lạc được giao việc may vá, thêu thùa trong cung còn Phác Bất Hoa làm nô tài chuyên lo quét dọn, trà nước.

Hai đứa trẻ đồng hương Cao Ly vô cùng thân thiết với nhau. Thời gian trôi qua, Kỳ Lạc trở thành một thiếu nữ xinh đẹp kiều diễm.

Thỏa Hoan Thiệp Mộc Nhĩ, con trai vua Nguyên Văn Tông, một lần chơi đùa trong cung nhìn thấy Kỳ Lạc bèn đưa nàng về phủ. Không lâu sau, Thỏa Hoan lên ngôi vua, lấy hiệu Nguyên Huệ Tông. Kỳ Lạc nghiễm nhiên được phong làm hoàng hậu.

Thái giám ngoại quốc đầu tiên của Trung Hoa

Trở thành mẫu nghi thiên hạ, hưởng thụ vinh hoa phú quý nhưng hoàng hậu Kỳ Lạc vẫn không quên người bạn cũ. Bà đưa Phác Bất Hoa tới Hưng Thánh Cung của mình, phong làm Vinh Lộc Đại Phu kiêm Tư Chính Viện Sứ.

Phác họa hình tượng hoạn quan Phác Bất Hoa.
Phác họa hình tượng hoạn quan Phác Bất Hoa.

Dưới thời nhà Nguyên, Tư Chính Viện là bộ phận quản lý ngân khố quốc gia. Theo đánh giá của các chuyên gia sử học, đây là một vị trí "béo bở" hái ra tiền. Được Hoàng hậu giao cho trọng trách như vậy, Phác Bất Hoa không thể bỏ lỡ cơ hội tư lợi cho mình.

Lợi dụng vị trí và mối quan hệ thân tình với Hoàng hậu, Phác Bất Hoa trở thành kẻ tham ô, tích lũy tài sản. Nhờ số tiền tham nhũng, ông thường xuyên mang lễ vật tới tặng cho hoàng thân quốc thích hay giới quyền quý.

Không chỉ thâu tóm của cải, vật chất, Phác Bất Hoa cũng nhận ra đây là con đường ngắn nhất để bước vào trung tâm quyền lực của Nguyên triều. Thật trùng hợp, Vua nhà Nguyên thời bấy giờ rất tín nhiệm Phác Bất Hoa, thường xuyên phái đi vi hành, cứu tế.

Khi con trai của Hoàng hậu Kỳ Lạc được phong làm Hoàng thái tử, họ Phác nhìn thấy cơ hội của mình ở đó. Ông ta thân chinh đảm nhận mọi việc lớn nhỏ của Thái tử, từ bữa ăn tới giấc ngủ.

Trong khi đó, Nguyên Thuận Đế không màng triều chính, chán ghét chính sự, chỉ lo hưởng lạc. Vị Vua này giao hết quyền lực cho Thái tử, thậm chí còn bổ nhiệm tể tướng Sóc Tư Giám do Phác Bất Hoa tiến cử.

Vào thời điểm này, họ Phác trở thành nhân vật quyền lực trong triều đình. Mọi việc thăng quan tiến chức, xây dựng, mở ngân khố, ban hành quốc sách, đều do một tay ông ta quyết định. Trong triều, mọi quan lớn nhỏ không ai dám trái lời.

Quyền lực của Phác Bất Hoa lớn đến mức mọi việc thăng quan, bãi chức của các quan lại lớn nhỏ đều phải qua tay thái giám ngoại quốc. Các đại thần trong triều đều phải nịnh bợ, không dám làm trái ý ông ta.

Hoạn quan khiến cả triều đại sụp đổ

Nhận thấy thế lực của mình ngày càng lớn mạnh, Phác Bất Hoa bày mưu cùng Hoàng hậu Kỳ Lạc và thân tín là Tể tướng Sóc Tư Giám để ép Nguyên Huệ Tông nhường ngôi cho Thái tử.

Trước đó, mọi bữa ăn giấc ngủ của thái tử đều do đích thân Phác Bất Hoa chuẩn bị. Phác Bất Hoa trở thành nhân vật quyền uy bậc nhất triều Nguyên sau Hoàng đế. Mọi việc thăng giáng quan thần đến ban hành quốc sách đều do ông ta quyết định.

Nguyên Huệ Tông là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyên.
Nguyên Huệ Tông là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyên.

Nhưng âm mưu đưa Thái tử lên ngôi chưa thành thì đã bị vua Nguyên phát hiện. Nguyên Huệ Tông nổi trận lôi đình, đem nhốt tất cả vào ngục, không trừ một ai.

Nhân lúc tình hình rối ren, Bình La Mộc Nhĩ, một kẻ vốn ghen ghét Phác Bất Hoa và Sóc Tư Giám, đã tranh thủ thời cơ để vào ngục giết chết cả tể tướng và thái giám.

Những mâu thuẫn nội bộ trong triều Nguyên là nguyên nhân chính khiến nạn đói và bệnh dịch hoành hành. Các cuộc khởi nghĩa nông dân khi đó diễn ra khắp nơi.

Nổi bật trong số này là Chu Nguyên Chương, người đem quân tiến đánh kinh đô nhà Nguyên.

Nguyên Huệ Tông thấy đại cục sắp mất, hối hận trách thái tử: “Giang sơn Đại Nguyên của ta đã mất trong tay mẹ con ngươi". Theo các sử gia, bản thân hoàng đế Huệ Tông cũng có lỗi vì đã nhắm mắt giao hết quyền lực vào tay Phác Bất Hoa.

Không lâu sau khi Phác Bất Hoa chết, Chu Nguyên Chương buộc quân Mông Cổ phải rút về thảo nguyên Trung Á. Triều Nguyên sụp đổ từ đó, thay thế bằng triều đại nhà Minh.

Có thể nói, nguyên nhân khiến nhà Nguyên, một trong những triều đại hiếu chiến nhất thế giới, diệt vong là vì Hoàng đế quá tin tưởng hoạn quan ngoại quốc Phác Bất Hoa.

Hoạn quan là những người không thể thiếu trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Họ thường là người thân cận, được hoàng đế tin dùng, nên dễ dẫn đến lộng quyền, nắm đại quyền, thậm chí có thể phế bỏ hoàng đế. Loạt bài này sẽ kể lại chuyện về những hoạn quan khét tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Cập nhật: 17/01/2023 Theo Dân Việt/Dân Trí
  • 5.462