Vì sao hoàng hôn trên sao Hoả có màu xanh?

Hoàng hôn màu xanh trên bề mặt sao Hỏa
  •  
  • 2.047

Không ít người thắc mắc vì sao sao Hoả được mệnh danh là hành tinh đỏ nhưng lại có hoàng hôn màu xanh dương lạ mắt.

Xe thám hiểm Curiosity do NASA chế tạo gửi về hình ảnh hoàng hôn trên sao Hỏa với ánh sáng xanh độc đáo, Newsweek hôm 29/11 đưa tin. Curiosity hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa ngày 6/8/2012 và đến nay vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu hành tinh này.

Hoàng hôn xanh khác lạ nhìn từ bề mặt sao Hỏa
Hoàng hôn xanh khác lạ nhìn từ bề mặt sao Hỏa. (Ảnh: NASA).

"Tôi thích các tấm ảnh chụp hoàng hôn, thích ngắm nhìn cảnh vật chìm trong những vùng sáng tối, khi ánh sáng và các vệt màu tản ra trong khí quyển", Damia Bouic, chuyên gia xử lý hình ảnh từ các xe thám hiểm sao Hỏa, chia sẻ.

Ánh sáng xanh trong ảnh không phải do chỉnh sửa, Bouic cho biết. Dù được mệnh danh là "Hành tinh đỏ" nhưng hoàng hôn trên sao Hỏa sẽ có màu xanh, kể cả khi quan sát bằng mắt thường. Mặt Trời hoàn toàn không thay đổi. Tuy nhiên, cảnh Mặt Trời lặn trông khác lạ khi nhìn dưới khí quyển sao Hỏa.

Lý do đằng sau điều này cũng tương tự như lý do tại sao bầu trời của chúng ta là màu xanh và hoàng hôn của chúng ta lại là màu đỏ.

"Màu sắc này hình thành do các hạt bụi siêu nhỏ có kích thước phù hợp để ánh sáng xanh xuyên qua khí quyển hiệu quả hơn. Khi ánh sáng xanh bị bụi làm tán xạ, nó sẽ ở gần hướng Mặt Trời hơn so với những ánh sáng màu khác. Vùng trời còn lại sẽ mang sắc vàng đến da cam vì ánh sáng vàng và đỏ tản ra khắp nơi trên cao thay vì bị hấp thụ hay tập trung gần Mặt Trời", Mark Lemmon, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Texas A&M, giải thích.

Bầu khí quyển của sao Hoả tràn ngập khí carbon dioxide và có rất nhiều bụi. Bụi mịn này có xu hướng phân tán ánh sáng đỏ để bầu trời có màu đỏ, cho phép ánh sáng màu xanh xuyên qua.

Điều thú vị hơn nữa, Trái Đất và sao Hỏa là hai nơi duy nhất trong Hệ Mặt trời có hoàng hôn mà chúng ta có thể quan sát.

Xe thám hiểm Curiosity ban đầu được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ khám phá bề mặt sao Hỏa trong hai năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã hai lần gia hạn nhiệm vụ này do chiếc xe vẫn chống chịu tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt trên sao Hỏa.

Tình huống tương tự từng xảy ra với Opportunity, một xe thám hiểm khác do NASA chế tạo. Opportunity là thiết bị thăm dò bền bỉ nhất trên sao Hỏa khi chỉ được thiết kế để hoạt động trong 90 ngày nhưng cuối cùng lại kéo dài đến 13 năm.

Cập nhật: 08/01/2020 Theo VnExpress/Dân Trí
  • 2.047