Ngộ độc sau ăn cà độc dược: Triệu chứng và cách xử lý!

  •  
  • 150

Cà độc dược là vị thuốc trong Đông y nhưng nếu dùng không đúng cách có thể gây ngộ độc hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.

1. Cà độc dược là gì?

Cà độc dược thuộc họ Cà, có tên khoa học là Datura metel, được biết đến với nhiều tên gọi khác như mạn đà la (hoa trắng), cà diên, cà lục dược, sùa tùa, hìa kía phiếu,

Cà độc dược là loại cây thân thảo, cao chừng 1- 2 m, sống quanh năm. Thân và cành non có màu tím hay xanh lục, có sẹo lá và nhiều lông mịn. Lá cây mọc so le với phiến lá nguyên có hình trứng nhọn. Cả hai mặt lá đều có lông. Hoa có hình giống hoa loa kèn, mọc đứng và mọc đơn ở kẽ lá. Cánh hoa màu trắng, đài hoa màu xanh và phía trên có 5 răng. Quả có hình cầu, màu xanh và có gai. Khi chín, quả nở thành 4 mảnh. Hạt có màu nâu vàng và nhăn nheo.

Ở nước ta, cà độc dược có 3 loại chính:

  • Cà độc dược hoa trắng, thân và cành xanh.
  • Cà độc dược hoa đốm tím, thân và cành xanh.
  • Loại thứ ba là lai giữa hai loại trên.

Người ta thường sử dụng lá và hoa để làm thuốc trong Đông y. Tuy nhiên, loại cây này không an toàn nếu sử dụng không đúng cách, vì vậy các chuyên gia khuyến khích mọi người không tự ý sử dụng.

Hoa của cà độc dược giống hoa loa kèn
Hoa của cà độc dược giống hoa loa kèn, cánh hoa màu trắng, đài hoa màu xanh và phía trên có 5 răng. (Ảnh: Internet).

2. Công dụng của cà độc dược

Theo Đông Y, cà độc dược có tính ôn, vị cay, là một loại thực vật chứa độc. Vào ai kinh phế và vị, được liệt vào nhóm thuốc chữa bệnh hen suyễn.

Cà độc dược có công dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý là nhờ tác dụng của 2 loại alcaloid là hyoxin và atropin. Những chất này có khả năng làm giãn đồng tử, giãn phế quản, gây khô nước bọt, dịch vị, mồ hôi. Đặc biệt, có thể giảm nhu động ruột và dạ dày nếu những cơ quan này đang co thắt.

Cây cà độc dược thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý cụ thể như:

  • Hỗ trợ điều trị xương khớp
  • Hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa
  • Chữa các loại mụn nhọt gây ra sưng đau trên da
  • Điều trị triệu chứng nôn mửa
  • Hỗ trợ điều trị viêm xoang

 Cà độc dược được sử dụng để điều trị một số bệnh lý như hen suyễn, viêm xoang.
Cà độc dược được sử dụng để điều trị một số bệnh lý như hen suyễn, viêm xoang. (Ảnh: Interent)

3. Cà độc dược gây ngộ độc như thế nào?

Như đã đề cập, cà độc dược có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh lý là nhờ một số alcaloid như atropin và hydoxin nhưng cũng chính thành phần alcaloid này có thể gây ngộ độc. Cả atropin và hydoxin đều thuộc nhóm độc bảng A. Vì vậy, nếu sử dụng không đúng cách có thể khiến người sử dụng bị ngộ độc, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

  • Liều độc atropin tác động lên não làm tăng hô hấp, sốt, ức chế thần kinh trung ương và tê liệt.
  • Hyoxin ở liều độc có thể ức chế thần kinh

4. Triệu chứng và cách xử lý khi bị ngộ độc cà độc dược

Thành phần alcaloid có khả năng hủy phó giao cảm, tạo ảo giác mạnh, mê sảng, hoang mang, khiến con người không thể phân biệt được thực tế và tưởng tượng.

Triệu chứng ngộ độc cà độc dược phụ thuộc nhiều vào liều lượng sử dụng, liều thấp có biểu hiện nhẹ như hơi khô miệng, giảm tiết mồ hôi và nhịp chậm. Khi dùng cà độc dược ở liều cao, đặc biệt là hoa và lá có thể dẫn đến giãn đồng tử, da khô nóng đỏ, mê sảng kéo dài, mất trí nhớ, thậm chí tử vong.

Khi bị ngộ độc cà độc dược, cần chú ý tới việc điều trị hỗ trợ (hô hấp, tuần hoàn, thần kinh...), dùng các biện pháp hạn chế hấp thu, tăng thải trừ như gây nôn, rửa dạ dày, dùng than hoạt kết hợp với thuốc nhuận tràng, tăng cường bài niệu.

Khi phát hiện bị ngộ độc cà độc dược, mọi người nên đưa người bệnh đến bệnh viện nhanh nhất có thể để được bác sĩ xử lý kịp thời.

 Alcaloid có trong cà độc dược có thể gây ra ảo giác mạnh, mê sảng, mất trí.
Alcaloid có trong cà độc dược có thể gây ra ảo giác mạnh, mê sảng, mất trí. (Ảnh: Internet).

5. Một số lưu ý khi sử dụng cây cà độc dược

Để đảm bảo an toàn, mọi người cần sử dụng cà độc dược theo sự hướng dẫn của những người có chuyên môn như bác sĩ, thầy thuốc. Khi sử dụng loại cà này, mọi người hết sức thận trọng và lưu ý:

  • Chỉ nên dùng 1-1,5g/ngày đối với cà độc dược dưới dạng bột, dạng phơi khô, thái nhỏ,...
  • Những đối tượng không nên sử dụng cà độc dược, kể cả dùng với mục đích chữa bệnh: Phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em, người bị suy tim, người bị táo bón, người mắc hội chứng Down, người đang sốt, loét dạ dày hoặc trào ngược dạ dày- thực quản, những người bị nhiễm trùng đường tiêu hoá, bệnh nhân huyết áp cao hoặc đang rối loạn tâm thần, bệnh nhân bí tiểu, viêm đại tràng kết, tăng nhãn áp góc hẹp,...

Đúng như tên gọi của nó, cà độc dược là một vị thuốc nhưng có chứa độc. Do đó, mọi người không sử dụng loại cà này để chế biến thành các món ăn, không tự ý sử dụng để điều trị bệnh lý.

Cập nhật: 23/08/2023 PNVN
  • 150