Hội chứng ruột bị kích thích

  •  
  • 1.936

Phải có một chế độ ăn uống hợp lý
Một bệnh không hiếm gặp

Hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng của ruột già hay gặp trong thực tế hằng ngày. Tỷ lệ mắc bệnh khá cao ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, lên tới 10-20%. Còn ở các nước châu Á thì thay đổi khá nhiều tùy theo quốc gia như ở Nhật là 25%, Iran là 3,4%... Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi và các đồng nghiệp thì bệnh này khá phổ biến.

Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 20-50. Số bệnh nhân nữ nhiều gấp 4 lần bệnh nhân nam. Bệnh không gây nguy hiểm hoặc đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân nhưng gây nhiều khó chịu và cảm giác thất bại không giúp gì cho người bệnh của các thầy thuốc, nhất là khi bệnh nhân lại có mối quan hệ thân thiết với bác sĩ. Hội chứng này tuy đã được ghi vào y văn trên thế giới từ lâu, nhưng chỉ mãi đến năm 1978 mới được tác giả Manning mô tả một cách đầy đủ.

Các biểu hiện chính của bệnh

- Tiêu chảy xen kẽ táo bón: Tiêu chảy thường nặng lên vào buổi sáng khi đang ăn hoặc sau bữa ăn sáng. Sau khi đi tiêu 3-4 lần với phân lỏng có nhiều chất nhầy, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu trong thời gian còn lại của ngày. Rất ít khi tiêu chảy kéo dài cả ngày và vào ban đêm. Tiêu chảy có thể kéo dài hằng tuần, hằng tháng và sau đó tự biến mất mặc dù không điều trị gì cả. Tuy nhiên bệnh sẽ bị lại, thời gian giữa các đợt bệnh không cố định, có khi nhanh, khi chậm. Một số người không bị tiêu chảy mà chỉ đi phân nhão, nhỏ giống như cái bút chì. Một số bệnh nhân khác thì bị táo bón đi kèm với đau bụng mạn tính, bệnh nhân thường thấy đau vùng bụng dưới và hố chậu bên trái vùng đại tràng Sigma. Đau bụng sẽ đỡ khi bệnh nhân đánh hơi hoặc đi tiêu được.

- Chướng bụng và các rối loạn tiêu hóa khác: Một số bệnh nhân khác tuy không tiêu chảy hoặc táo bón nhưng lại luôn có cảm giác đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng, đau lưng, mệt mỏi, đánh trống ngực... rất dễ lầm với một số bệnh khác như: rối loạn thần kinh thực vật, loét dạ dày tá tràng, bệnh đường mật. Tuy nhiên, để tránh bỏ sót các bệnh nguy hiểm khác như viêm loét ruột, ung thư ruột già, lao ruột... bệnh nhân cần phải được khám kỹ về phương diện lâm sàng bao gồm hỏi kỹ bệnh sử, phát hiện các triệu chứng báo hiệu ác tính như đi tiêu ra máu, sờ thấy u cục của ruột già. Cần làm siêu âm, nội soi ruột già, tìm máu trong phân, chụp X - quang khung đại tràng có cản quang...

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân đầu tiên của bệnh, được nhiều nhà bệnh lý học đề cập đến là sự rối loạn nhu động của ống tiêu hóa gây ra bởi rối loạn của hệ thống thần kinh trung ương cũng như hệ thống thần kinh tự động trong thành ruột. Hiện tượng này làm tăng sóng nhu động để nhào trộn thức ăn và tăng nhu động của ruột non làm thời gian di chuyển của phân trong ruột giảm đi. Trong khi đó nhu động của ruột già có thể tăng hay giảm làm cho thời gian di chuyển của phân trong ruột có thể dài ra hay ngắn lại, dẫn đến tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy cho bệnh nhân.

Các nguyên nhân khác có thể gặp là tình trạng thay đổi về tính nhạy cảm của ruột già hay trực tràng, dẫn đến hạ thấp phản xạ đi tiêu của người bệnh. Bệnh nhân có thể có các rối loạn tâm lý, bị stress, hysteria, một số bệnh nhân nữ có thể có tiền sử bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ, trầm cảm... Cuối cùng là hội chứng ruột kích thích xảy ra sau khi bị nhiễm trùng cấp tính, thường nhất là sau viêm dạ dày ruột cấp. Theo một số tác giả thì có tới 24-32% bệnh nhân bị mắc bệnh này sau 3 tháng sẽ bị hội chứng ruột kích thích. Có một điều rất "đặc biệt" là có hiện tượng các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích sẽ biến mất hoặc giảm đi ở một số bệnh nhân khi bác sĩ nói họ không bị bệnh gì cả.

Điều trị bệnh - một việc không dễ

Việc điều trị bệnh nói chung rất phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn tối đa của cả hai phía: thầy thuốc và bệnh nhân. Các bước đi chính trong quá trình điều trị là: công tác tư vấn tâm lý, chế độ ăn kiêng, các loại thuốc và các liệu pháp ngoài thuốc khác.

Việc tư vấn tâm lý cho bệnh nhân rất quan trọng, kết quả tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm của thầy thuốc. Phải giải thích rõ ràng cho bệnh nhân biết bệnh này không nặng, không nguy hiểm đến tính mạng và nhất là không trở thành ung thư. Tốt nhất là tự người bệnh phải biết được chính xác loại thức ăn nào gây ra các triệu chứng bệnh để không sử dụng trong bữa ăn. Nên tránh các loại thức ăn sống và nhiều chất béo, không uống rượu bia và các loại nước giải khát có cồn.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam (Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM)

Theo Thanh Niên Online
  • 1.936