Một nhóm các nhà cổ sinh vật học người Peru mới đây đã khai quật được hộp sọ của một con cá nhà táng thời tiền sử ở sa mạc Ocucaje, Peru. Đây là một chiếc hộp sọ hoàn chỉnh với răng và hàm, đã tồn tại ở khu vực sa mạc này trong 7 khoảng triệu năm.
Hộp sọ cá nhà táng được tìm thấy ở sa mạc Ocucaje, Peru.
Nhà nghiên cứu Aldo Benites-Palomino cho biết, với những chiếc răng và hàm khỏe của hộp sọ mới được khai quật cho thấy tổ tiên của loài cá nhà táng có thể đã ăn các vật thể khác ngoài mực và cá nhỏ.
“Đây là một hộp sọ được lưu tồn tốt nhất thuộc loại này được biết đến trên thế giới cho đến nay. Hóa thạch của những loài động vật này đã được tìm thấy trên khắp các đại dương trong hơn 150 năm. Nhưng mọi thứ được phát hiện trước đó hầu như luôn chỉ có răng hoặc những mảnh vỡ rất nhỏ khác.
Kể từ năm 2008, chúng tôi đã nghiên cứu đặc biệt với nhóm này ở sa mạc Ocucaje, chúng tôi đã tìm được một số loài, nhưng mẫu vật sau lưng tôi đây là ví dụ điển hình nhất về loài động vật mà chúng ta có cho đến nay. Loài vật này cực kỳ thú vị, bởi không giống như các loài cá nhà táng hiện nay chỉ ăn mực hoặc cá nhỏ, loài vật này có đầy đủ các đặc điểm của một loài động vật ăn thịt, có những cú đớp rất khỏe và hàm răng rất phát triển”.
Theo các nhà nghiên cứu, hộp sọ mới được khai quật dài 1,3 mét là của một một con cá nhà táng trưởng thành, ước tính chiều dài của con cá voi này từ 5 đến 5,5 mét. Hộp sọ này sẽ được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Lima, Peru.