Được nhà sản xuất công bố là giải pháp tốt nhất cho việc dùng mực chính hãng mà vẫn tiết kiệm chi phí, máy này chỉ sử dụng một ống mực đen, giá 112.000 đồng, để in tới 450 trang và một ống mực ba màu, giá 144.000 đồng, cho ra đời 400 trang.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay, giá trung bình của một hộp mực nạp lại khoảng 100.000 đồng. Máy in phun thường có một hộp mực đen và một hộp màu phối hợp, hoặc tách thành 3 hay 5 hộp mực màu riêng lẻ, nên giá thành ít nhất là 200.000 đồng cho một bộ mực đổ lại.
Việc mua máy in với nhiều người là có thể vì giá không cao, nhưng hầu hết gặp khó khăn trong việc sử dụng thường xuyên do chi phí mực nhiều khi vượt quá khả năng chi trả. Vì thế, nhiều người đã chọn giải pháp dùng mực đổ lại. Trong một khảo sát gần đây của HP, gần 40% người tiêu dùng cho biết đã dùng mực đổ lại khi máy in hết mực.
|
Nạp lại mực in phun. Ảnh: HP |
QualityLogic, một trong những tổ chức kiểm tra chất lượng độc lập lớn nhất thế giới, mới đây đã so sánh ống mực in phun của HP với các ống mực được đổ tại bốn hệ thống kiosk hàng đầu ở Mỹ. Kết quả cho thấy ống mực màu và mực đen chính hãng in nhiều trang hơn lần lượt là 97% và 34% so với các loại mực đổ lại khác.
Cuộc khảo sát của QualityLogic còn cho thấy ống mực in phun chính hãng cho ra trang in chất lượng cao hơn 30% so với ống mực bơm được thử nghiệm. Hộp mực in laser đen và đơn sắc chính hãng có độ tin cậy cao gấp 9 lần và hộp mực in màu inkjet đáng tin cậy gấp 50 lần so với những nhãn hiệu hàng đầu của thị trường mực "ăn theo".
Trong khi đó, theo công bố của HP, ống mực in phun của họ được thiết kế để dùng một lần. Nếu tái sử dụng, mũi phun có thể bị hỏng, tạo thành dòng kẻ trên trang in. Những người làm dịch vụ bơm mực không thể sao chép công thức mực đã được cấp bằng sáng chế của nhà sản xuất, và họ phải tìm cách thức khác. Hậu quả là mực không chính hãng có thể không hoạt động tốt và cho ra chất lượng kém hơn đáng kể, ví dụ như nhòe và bẩn.
HP cũng cho rằng, việc sử dụng ống mực nạp có hại hơn đối với máy in laser, vì giá loại thiết bị này khá cao, không phải lúc nào người dùng cũng có điều kiện đầu tư lại. Và thực tế tại Việt Nam, khá nhiều máy laser bị hỏng do dùng mực tương thích hay mực đổ lại.