Intel 'bỏ rơi' AMD trong cuộc đua chip 4 lõi

  •  
  • 95

Khi Intel giới thiệu các mẫu chip 4 lõi và vi xử lý Penryn công nghệ 45 nanometre mới nhất, AMD cũng tung ra Quad FX để ganh đua. Tuy nhiên, các thử nghiệm cho thấy sản phẩm của AMD vẫn còn thua Intel một khoảng cách khá xa.

Dựa trên vi kiến trúc tương tự Core 2 Duo, Penryn là vi xử lý đầu tiên của Intel được sản xuất theo công nghệ 45 nanometre (các dòng chip hiện tại của hãng theo chuẩn 65 nanometre). Kỹ thuật này có nghĩa là họ tạo ra được bóng bán dẫn nhỏ hơn (chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm hiện nay) và do đó có thể đưa nhiều bóng bán dẫn như vậy hơn vào một miếng silicon. Khi kích thước được thu nhỏ, bóng bán dẫn sẽ tiêu thụ ít điện năng. Ngoài ra, khi có nhiều bóng bán dẫn hơn trong một chip, vi xử lý sẽ hoạt động nhanh hơn với xung đồng hồ lên tới hơn 3 GHz.

Nguồn: Gizmodo
Penryn sẽ xuất hiện trên thị trường phổ thông vào nửa cuối năm 2007, trên các dòng desktop, máy tính xách tay và máy chủ. "Chip Penryn đang được sản xuất và sẽ tới tay người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất", Rob Willoner, chuyên gia công nghệ của Intel, cho biết. "Vi xử lý này còn có thêm các tính năng mới hỗ trợ đa phương tiện và kết nối mạng không dây".

Nền tảng Quad FX của AMD thực chất hoạt động bằng 2 vi xử lý lõi kép dòng Athlon 64 FX-70 hợp lại với nhau, còn gọi là bộ vi xử lý socket kép. Công nghệ này dựa trên chipset nForce 680a của Nvidia, hỗ trợ tới 12 cổng SATA và 4 card PCI-Express.

Theo công nghệ của AMD, hai socket được đặt trên bo mạch chủ và nối với nhau bằng kiến trúc Direct Connect mà hãng này phát triển. Trên mỗi socket, họ sẽ đặt một vi xử lý lõi kép (hoặc là FX-70 2,6 GHz, FX-72 2,8 GHz hay FX-74 3,0 GHz) để hình thành bộ chip 4 lõi.

Quad FX (có tên khác như 4x4 hay QuadFather) được thiết kế để hỗ trợ hệ điều hành Windows Vista. Nhưng do nó dùng 2 khe cắm socket nên chỉ có bản Ultimate, Enterprise và Business mới tận dụng được lợi thế của vi xử lý thứ 2. Còn bản Home Basic và Home Premium sẽ không nhận ra được chip thứ 2 này.

Ngoài ra, điểm hạn chế của Quad FX là tiêu thụ điện khá lớn (khi hoạt động ở công suất cao nhất chỉ với 1 card đồ họa, con số này là 600 watt). Tuy vậy, chip này cũng có thể điều khiển toàn bộ 8 màn hình cùng lúc khi sử dụng 4 card màn hình trên khe PCI-Express. Quad FX còn tỏ ra thua kém dòng chip 4 lõi một socket QX6700 2,6 GHz.

Bảng đánh giá hoạt động của chip QX6700 (Intel) và Quad FX (AMD), theo đó, sản phẩm Intel tỏ ra vượt trội. Ảnh: Gizmodo.

Theo PC World, Gizmodo, VnExpress
  • 95