Internet công cộng đến thời “thoái trào”

  •  
  • 583

Phong trào kinh doanh Internet công cộng bắt đầu cách đây khoảng 5 năm và nở rộ trên phạm vi cả nước trong vòng 2-3 năm gần đây. Nhưng đến thời điểm này, khi Internet trở nên phổ cập trong mỗi công sở và gia đình thì dường như đại lý Internet công cộng đang đi vào thoái trào. 

Anh Bắc người mới bắt đầu mở quán Internet trên đường Nguyên Hồng - Hà Nội vào cuối năm 2005 thừa nhận: "làm Net" bây giờ không ăn nữa, hết thời rồi. Các quán Net đang đi vào thoái trào: một là chịu không nổi phải đóng quán, bán máy; hai là không đầu tư thêm, cố thu thêm trên hạ tầng đã đầu tư.

Net hết thời

Cuối năm 2005, anh Bắc đầu tư khoảng 45 triệu mở phòng Net với 15 máy cũ mua lại. Nhưng anh đã gặp khó khăn khi bước vào kinh doanh lĩnh vực này quá muộn, khi mà các quán Net bắt đầu bước vào thời kỳ thoái trào. Bây giờ mỗi ngày tính cả tiền thuốc nước và tiền truy cập chỉ thu được khoảng 200 ngàn.

Với mức thu này, hàng tháng chỉ cầu cho không bị lỗ là may lắm rồi. Mà vướng vào đây như "con mọn", bây giờ bỏ thì lỗ một đống tiền mà làm tiếp cũng khó khăn vô cùng, anh Bắc than thở.

Một quán Net vắng khách tại Hà Nội - Ảnh Hoàng Hùng

Tại Hà Nội, chỉ trừ những khu vực tập trung rất đông sinh viên là các quán Net còn sôi động, còn rất nhiều khu vực khác đã rơi vào cảnh kinh doanh khó khăn hoặc đóng quán. Khu đường Hồ Đắc Di trước đây có đến xấp xỉ một chục quán Net nay thì chỉ còn 1-2 quán hoạt động cầm chừng. Quanh khu nhà A23 - A25 Nghĩa Tân, trước đây có đến 6-7 quán Net nhưng giờ cũng đóng cửa gần hết chỉ duy nhất còn 1 quán hoạt động. Cách đó không xa, phố Nghĩa Tân trước đây dày đặc các điểm truy cập Internet và các cửa hàng băng đĩa thì nay hầu hết đã chuyển nghề sang kinh doanh ăn uống, giải khát...

Sự sụt giảm của kinh doanh Internet công cộng ở Hà Nội mới chỉ bắt đầu chưa rõ nét do nhu cầu của lớp trẻ nhất là sinh viên đông. Trong khi đó, ở các địa phương khác thì kinh doanh Internet công cộng đang gần như bước vào thoái trào mà Hải Phòng là một ví dụ. Những nơi tập trung nhiều quán Net như phố Lạch Tray, Lê Lợi, Nguyễn Văn Linh, ĐH Dân lập Hải Phòng... trước đây sôi động ngày đêm vì có các quán Net, nay thì không khí đã trầm lắng hơn vì nhiều đại lý này đã đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.

Anh Nguyễn Thế Hải, chủ một quán Net tại khu vực trường Đại học Dân lập Hải Phòng (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) cho biết, thời kỳ Internet phát triển rầm rộ, giá truy cập mỗi giờ từ 6.000-7.000 đồng mà mọi người đua nhau kinh doanh. Toàn quận có khoảng 150 quán Internet, trong đó, phường Dư Hàng Kênh đã chiếm tới 50 quán. Nhưng đến nay, ngay xung quanh nhà tôi có ít nhất 5 quán đóng cửa. Các quán còn lại kinh doanh cũng giảm sút.

Theo tính toán của anh Hải, với 20 máy, mỗi ngày anh thu được khoảng 200.000 đồng. Trừ tiền đường truyền, tiền điện, thuế, thì cũng chỉ đủ ăn. Đấy là mình có mặt bằng, nhân lực trong nhà chứ nếu đi thuê thì "vỡ mặt".

Cũng tại khu vực Đại học Dân lập Hải Phòng, anh Hồng, chủ một quán Internet vừa đóng cửa cách đây vài tháng cho biết, dù lượng khách gần trường đại học ổn định hơn so với các nơi khác nhưng thu nhập từ nhiều đại lý Internet tại đây chỉ là cầm cự, “muốn phá sản cũng không phá được”. Anh lý giải, không làm nữa thì lỗ nhiều quá, còn tiếp tục cũng không thu được là bao. Sau hơn 1 năm kinh doanh, anh Hồng cũng phải quyết định đóng cửa và chịu thua lỗ với số máy móc hiện đang để xó.

Tình trạng này có thể bắt gặp ở nhiều thành phố được xem là lớn khác. TP Vinh, trên đường Mai Hắc Đế, Nguyễn Thị Minh Khai trước đây rất nhiều quán mở ra với số vốn đầu tư lớn nhưng chỉ không đầy 3 năm, rất nhiều người đã quyết định phải đóng cửa vì "không ăn thua".

Nếu như việc truy cập Internet vắng khách thì các quán game online lại luôn trong tình trạng đông đúc. Suốt một con đường nhỏ vào Đại học Dân lập Hải Phòng và phố Nguyễn Bình, quận Ngô Quyền – nơi tập trung nhiều trường đại học của thành phố, các quán game đua nhau mọc lên san sát.

Tại đây từ sáng đến khuya, lúc nào cũng gần như kín chỗ. Chủ những cửa hàng trên chỉ ra rằng, chỉ với 2.000 đồng/giờ nhưng thời gian khách chơi game bao giờ cũng lâu hơn so với việc truy cập Internet để đọc báo, chat chit… nên doanh thu của họ ít nhất cũng phải gấp đôi các đại lý Internet công cộng khác.

Tuy nhiên, muốn kinh doanh game online cũng không đơn giản vì đòi hỏi máy tính phải có cấu hình cao hơn nên các quán Net vẫn cố duy trì còn hơn là đầu tư từ đầu. Một số quán cải thiện tình hình bằng cách xen kẽ cả game online và truy cập Internet thông thường nhưng không mấy khả quan.

Phần lớn các đại lý Internet không “đạt tiêu chuẩn”

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trầm lắng tại các điểm truy cập Internet hiện nay. Theo những người kinh doanh thì nguyên nhân chủ quan là sự lạc hậu, lỗi thời về máy móc. Ngoài sự cạnh tranh gay gắt của các hàng Net thì sự gia tăng nối mạng tại các gia đình, cơ quan cũng góp phần khiến lượng người truy cập tại các đại lý công cộng giảm đi ít nhiều.

Tuy nhiên, nguyên nhân được nói đến nhiều nhất vẫn là sự “vênh” nhau giữa công tác quản lý của Nhà nước và thực tế kinh doanh tại các doanh nghiệp cũng như các đại lý về vấn đề này.

Thuê bao ADSL không giảm, thậm chí nhu cầu ngày càng tăng nhưng các đại lý Internet công cộng hiện đều sụt giảm vì hầu hết không đảm bảo được các quy định mới ban hành của Thông tư Liên tịch về quản lý đại lý Internet 02/2005/TTLT/BCVT-VHTT-CA-KHĐT.” Đây là điều đầu tiên mà ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Bưu điện Hải Phòng nhắc đến khi lý giải về hiện tượng nhiều điểm truy cập Internet đóng cửa hiện nay.

Các chủ hàng Internet cũng khẳng định, họ gặp khó khăn và chưa thực hiện được một số quy định như: Lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ trong đó thống kê đầy đủ, chi tiết thông tin về người sử dụng, người bảo lãnh cho người dưới 14 tuổi; cài đặt chương trình phần mềm quản lý đại lý để lưu giữ thông tin về người sử dụng dịch vụ bao gồm địa chỉ đã truy cập, thời gian truy cập, loại hình dịch vụ trong thời gian 30 ngày…

Anh Phạm Ngọc, nhân viên một cửa hàng Internet tại Hải Phòng cho biết, không thể kiểm soát nổi tất cả những địa chỉ và nội dung mà khách hàng truy cập. Một phần là do không đủ người làm, một phần không muốn xâm phạm vào những thông tin cá nhân, mặt khác, do máy móc nhiễm virus thường phải cài lại nên không lưu giữ được thông tin dài ngày. Bên cạnh đó, để ngăn chặn việc khách vô tình truy cập các trang web có nội dung không lành mạnh mà người trước đó đã vào, anh thường xoá hết các địa chỉ. Nhưng việc làm như vậy cũng được cho là vi phạm quy định về lưu trữ thông tin và đại lý có thể bị phạt bất cứ lúc nào khi có đoàn kiểm tra.

Ông Phạm Văn Hoàn, Phó phòng Viễn thông Tin học – Bưu điện Hải Phòng cho biết, trước khi Thông tư 02 ra đời, Bưu điện thành phố có khoảng 200 hợp đồng đại lý Internet. Tuy nhiên cho đến nay, con số này chỉ còn “lác đác”. Việc bưu điện huỷ hợp đồng với hầu hết các đại lý do chưa đáp ứng được các yêu cầu của Thông tư về việc cài đặt các chương trình phần mềm quản lý các đại lý trên.

Ông Hoàn giải thích: “Mỗi đại lý sai phạm, cơ quan Nhà nước phạt tiền, thà rằng Bưu điện chấp nhận huỷ hợp đồng để đỡ bị phạt. Thực tế, các đại lý kinh doanh cũng không chịu từ bỏ, họ chuyển sang thuê bao. Làm như vậy khiến việc quản lý các cửa hàng này thuộc thẩm quyền của các địa phương, còn bưu điện cùng lắm là có nhiệm vụ phối hợp!”.

Như vậy, mặc dù ngành bưu điện thành phố vẫn có chủ trương phát triển Internet ra các vùng phụ cận nhưng do các quy định quản lý Internet hiện thời chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ và thực tế kinh doanh, đồng thời việc buông lỏng toàn bộ khâu này đã và đang gây nhiều cản trở cho doanh nghiệp và các đại lý muốn làm đúng pháp luật.

Nguyễn Nga

Theo VietNamNet
  • 583