Hiệp hội quốc tế bảo vệ thiên nhiên (IUCN) và Chương trình Rừng ngập mặn vì tương lai (Mangrove for the future - MFF) vừa quyết định tài trợ gần 20.000 USD cho dự án Xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng (đặc biệt là đối tượng phụ nữ) sử dụng khôn khéo và bền vững tài nguyên thủy sản dưới tán rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định.
Rừng ngập mặn ở Vườn quốc gia Xuân Thủy. |
Theo ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy, dự án nhằm tạo lập cơ chế đồng quản lý tài nguyên thủy sản dưới tán rừng ngập mặn và đất ngập nước khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy, góp phần thực hiện chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững cho khu vực.
Dự án được triển khai trong năm 2012 với nhiều hoạt động như khảo sát đánh giá thực trạng khai thác tài nguyên thủy sản của cộng đồng địa phương; xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích và cộng đồng trách nhiệm trong sử dụng tài nguyên đất ngập nước, với sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng địa phương thông qua các chuỗi đối thoại và tham vấn cộng đồng; thể chế hóa quy chế này và tổ chức phổ biến, thực hiện, giám sát đánh giá tác động của quy chế; tuyên truyền các hình thức khai thác bền vững thủy sản dưới tán rừng cho phụ nữ thông qua Hội Phụ nữ và các ấn phẩm truyền thông; nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên - chủ nhân tương lai của rừng ngập mặn, về các vấn đề liên quan.
Khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy có diện tích rừng ngập mặn rộng gần 3.000ha và gần 10.000ha đất ngập nước. Hàng ngày, hàng trăm người trong đó đa phần là phụ nữ nghèo vào đây khai thác thủy sản.
Đặc biệt, vào lúc cao điểm của mùa vụ khai thác ngao giống và cua bể giống, số người tham gia khai thác nguồn lợi thủy sản ở đây lên tới hàng nghìn người mỗi ngày.
Hoạt động này đã tạo ra những tác động tiêu cực như làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng hệ sinh thái rừng ngập mặn và ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương sống lệ thuộc vào nguồn tài nguyên thủy sản ở đây.