Khai thác đá có thể chấm dứt sự di trú của động vật hoang dã tại Kenya

  •  
  • 711

Một mỏ khai thác đá đang sử dụng chất nổ tại Vườn Quốc gia Amboseli của Kenya có thể đe dọa hành lang di trú của voi và các loài động vật hoang dã khác, theo ý kiến các nhà bảo tồn. Công việc khai thác hiện vẫn đang được tiếp tục, mặc dù đã có lệnh tạm ngừng do tòa án tối cao Kenya ban bố hồi tháng 5.

Mỏ đá này theo kế hoạch được khai thác để cung cấp nguyên liệu cho việc xây dựng con đường Emali-Oloitoktok, nó thuộc khu bảo vệ Osupuku với diện tích 1.214 ha.

Khu này được hình thành năm 2008 theo một thỏa thuận giữa chủ đất thuộc cộng đồng người Kimana và Quỹ bảo vệ Động vật Hoang dã Phi châu (AWF). Đây là khu đất lập ra để bảo vệ cho hành lang di trú của động vật nối từ Amboseli tới vùng đồi Chyullu và Vườn quốc gia Tsavo.

“Chúng tôi không phản đối việc xây dựng con đường, nhưng phản đối việc lấy nguyên liệu đá từ khu vực khai thác hiện tại,” bà Fiesta Warinwa, thành viên AWF cho biết.

Sinohydro, tập đoàn xây dựng đến từ Trung Quốc hiện đang đảm nhiệm công trình, đã phát biểu hồi đầu năm rằng có thể vị trí của dự án sẽ được xem xét lại.

“Do có quá nhiều quan ngại từ phía các tổ chức bảo tồn động vật cũng như giới truyền thông, hiện chúng tôi đang tính toán chọn lựa một vị trí khác,” ông Michael Zhang, phó giám đốc dự án nói.

Nhưng các nhà bảo tồn cho rằng đó chỉ là lời hứa suông.

“Chúng tôi phải nhờ tới sự can thiệp của tòa án vì chúng tôi biết công ty này không thực sự có ý định chuyển dự án tới một vị trí khác. Bất kì sự khẳng định nào của họ chỉ đơn thuần là lời nói theo kế hoãn binh,” Warinwa cho biết.

“Chúng tôi đang dùng hết mọi khả năng hiện có để ngăn không cho họ đào xới khu vực này…” bà nói.

Biến đổi vĩnh viễn

Nếu như vị trí dự án vẫn giữ nguyên như hiện tại, công ty này sẽ sử dụng thuốc nổ và máy móc hạng nặng để đào những hố lớn, điều này theo các nhà bảo tồn sẽ gây ra tai họa không chỉ cho động vật mà cả những người sống trong khu vực.

“Với những hố đào khắp nơi, tất nhiên những dòng động vật vẫn thường đến và đi khỏi khu bảo tồn này sẽ biến mất,” bà Warrinwa nói. Ví dụ, các con vật có thể sẽ bị rơi xuống hố, hoặc sự ồn ào náo động của công việc xây dựng sẽ khiến chúng sợ hãi lánh xa không bao giờ tới gần khu bảo tồn này nữa.

 

Một mỏ khai thác đá đang sử dụng chất nổ tại Vườn Quốc gia Amboseli của Kenya có thể đe dọa hành lang di trú của voi và các loài động vật hoang dã khác, theo ý kiến các nhà bảo tồn. (Ảnh: National Geographic)

“Xét về mặt hệ sinh thái, tính liên kết giữa các vườn quốc gia sẽ không còn.”

“Sau khi công trình được hoàn thành, những mỏ còn trơ lại và các địa điểm cắm trại ngổn ngang của công nhân không được dọn dẹp sẽ gây ra một biến đổi vĩnh viễn đối với sự di trú của loài voi"
, Soila Sayialel, thành viên một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ voi cho biết.

“Việc di chuyển hàng ngày và theo mùa của voi trên trục đường này có thể chuyển qua các vùng định cư của con người,” Sayialel nói.

“Càng ngày con người càng không chịu nhượng bộ, và mâu thuẫn sẽ xảy ra, khi đó cả con người và loài voi đều phải chịu thiệt hại.”

Hơn nữa, mỏ khai thác này có thể làm mất đi tiềm năng du lịch của khu bảo tồn động vật tự nhiên, bà Warinwa nói thêm.

“Khu bảo tồn có nguy cơ sẽ bị đóng cửa do không còn tiềm năng về du lịch, điều này đồng nghĩa với việc nhân viên sẽ bị sa thải toàn bộ hoặc một phần”.

Không can thiệp?

Ông Zhang đại diện phía công ty Sinohydro nói rằng Amboseli là nơi cung cấp nguyên liệu đá lý tưởng để xây dựng một con đường tốt, chắc chắn sẽ không cần sửa chữa trong nhiều năm.

Ông cho biết công ty đang dự định sử dụng các chất nổ và kíp nổ hợp pháp được Bộ Môi trường và Khai khoáng Kenya cho phép. Chính phủ cũng đã cử một quan chức về quản lý chất nổ tới hiện trường, ông Zhang cho biết.

“Tất nhiên chúng tôi cũng biết rằng chất nổ sẽ làm ảnh hưởng tới các loài động vật, do đó chúng tôi đã tính toán chỉ sử dụng vào ban ngày, còn các loài vật sử dụng hành lang này vào ban đêm và lúc tảng sáng”.

Ông nói thêm, bản thân ông không nghĩ rằng mỏ khai thác và khu trại của công nhân sẽ ảnh hưởng nhiều tới sự di chuyển của các loài động vật.

G2V Star (Theo National Geographic)
  • 711