Khai thác Mặt trăng và các tiểu hành tinh có phải là phạm pháp?

  •  
  • 251

Chúng ta có thể khai thác trên Mặt trăng và các tiểu hành tinh không? Nhiều nước muốn vậy nhưng đây vẫn là vấn đề pháp lý chưa rõ ràng. Vậy chúng ta đang ở đâu trong hành trình này?

Khai thác tài nguyên trên Mặt trăng và các tiểu hành tinh có thể mang lại nguồn lợi hàng tỷ tỷ đô la Mỹ và một vài công ty đã có ý tưởng về việc này. Nhưng khai thác tài nguyên vũ trụ có hợp pháp hay không? Đối với các tiểu hành tinh, câu trả lời có thể là "có" nhưng đối với Mặt trăng, việc này rất phức tạp.

Hình minh hoạt một căn cứ trên Mặt trăng
Hình minh họa một căn cứ trên Mặt trăng. NASA hy vọng sẽ thiết lập căn cứ lâu dài ở đây trong thập kỷ tới, nhưng tính pháp lý của việc khai thác tài nguyên Mặt trăng vẫn là một câu hỏi lớn. (Ảnh: 3000ad/Shutterstock).

Năm 1967, 110 nước, trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc, đã ký một hiệp ước tuyên bố rằng không có "chủ quyền" nào có thể tuyên bố quyền sở hữu Mặt trăng. Tuy vậy, "Hiệp ước Thượng tầng không gian" (OST) này không cấm tuyệt đối các công ty hoặc cá nhân khai thác và sở hữu tài nguyên từ không gian.

"Là một luật sư, tôi có thể chỉ ra rằng tất cả vẫn nằm trong vùng xám, chưa có gì rõ ràng", Giáo sư luật không gian Michelle Hanlong ở Trường đại học Luật, Đại học Misissippi, cho biết. Bà đồng thời cũng là Chủ tịch của Tổ chức For All Moonkind, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm bảo vệ những địa điểm nhất định trên Mặt trăng, không cho khai thác, sử dụng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý cho rằng cách hiểu "chủ quyền" phạm vi rộng của OST về mặt kỹ thuật có thể được áp dụng mở rộng cho các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là ít nhất các công ty bị cấm khai thác Mặt trăng.

Kể từ khi OST được ký kết, một vài nước đã tự mình xử lý vấn đề khai thác không gian. Năm 2015, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Không gian, một đạo luật trong nội bộ nước Mỹ trao cho công dân nước này quyền đối với tài nguyên ngoài không gian.

Bà Halon cho biết đã có sự phản đối kịch liệt sau khi dự luật này được thông qua. Nhiều quốc gia cũng cáo buộc Mỹ hành động đơn phương, và trong mọi trường hợp, luật pháp Mỹ không thể được thi hành ở những khu vực nằm ngoài thẩm quyền của nước này.

 Giám đốc NASA Bill Nelson gặp gỡ các Đại sứ trong buổi ký Hiệp ước Artemis.
Giám đốc NASA Bill Nelson (trái) gặp gỡ các Đại sứ của Cộng hòa Czech trong buổi ký Hiệp ước Artemis. (Ảnh: NASA/Joel Kowsky).

Nhưng việc này cũng không ngăn các nước khác nhảy vào cuộc. Năm 2017, chính phủ Luxembourg đã thông qua dự luật trao cho các công ty quyền khai thác và giữ tài nguyên từ các thiên thể. Nhật Bản và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng làm điều tương tự.

Thay vì để mỗi nước tự ra quy định, năm 2020, NASA và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề xuất một bộ hướng dẫn khám phá không gian được gọi là Hiệp định Artemis. Đây là một sáng kiến đa phương nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2026, và đã có 7 nước khác cùng với Mỹ ký kết.

Hiệp ước này đưa OST tiến thêm một bước. Đó là bằng cách ký kết, các quốc gia đồng ý cấp quyền đối với tài nguyên không gian trong "vùng an toàn" của họ trên Mặt trăng. Vùng này sẽ được thiết lập để tránh xung đột giữa các quốc gia. Nga đã lên tiếng phản đối thỏa thuận do Mỹ đứng đầu này. Mặc dù vậy, tính đến tháng 2/2024, đã có 35 nước ký kết Hiệp định Artemis.

Tuy nhiên, bất kỳ luật quốc tế nào thực sự ràng buộc cũng phải thông qua Liên hợp quốc. Điều này có thể sắp xảy ra, bởi vì một ủy ban của Liên hợp quốc chuyên về "sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình" sẽ nhóm họp vào tháng 4/2024 tại Vienna, Áo, để thảo luận về việc khai thác tài nguyên không gian.

Giáo sư Steven Freeland ở Trường đại học Luật, Đại học Tây Sydney, Australia - Phó Chủ tịch Tổ công tác có nhiệm vụ phân tích các vấn đề pháp lý của ủy ban này - nói rằng "một trong các nhiệm vụ của chúng tôi là kiểm tra khung quản trị hiện nay và tác động của nó đối với ý tưởng hoạt động tài nguyên không gian".

Tổ công tác này sẽ xây dựng một bộ quy tắc ban đầu về hình thức khai thác không gian, để cho hơn 100 nước thuộc Liên hợp quốc phê chuẩn trước khi đưa ra Đại hội đồng - cơ quan chính sách chủ chốt của Liên hợp quốc - phê chuẩn.

Từ nay đến lúc đó, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó có câu hỏi liệu khai thác Mặt trăng có áp dụng giống như khai thác tiểu hành tinh hay không. Theo Luật sư Halon, "dưới nhiều hình thức, luật pháp vẫn luôn đi sau thực tế, và hiện giờ chúng ta vẫn ở trong tình trạng như vậy."

Cập nhật: 22/02/2024 Dân Trí
  • 251