Gấu trúc và khỉ cổ đại từng cạnh tranh nguồn thức ăn

  •  
  • 1.694

Những hóa thạch mới phát hiện cho thấy cách đây nửa triệu năm gấu trúc và khỉ cổ đại phải cạnh tranh giành nơi ở và thức ăn ở vùng bờ biển phía nam Trung Quốc.

Theo Huang Wanbo - nhà cổ sinh vật học tại Viện Cổ sinh vật và Cổ nhân chủng học Bắc Kinh, hóa thạch 400.000 năm tuổi của một con gấu trúc khổng lồ được phát hiện cùng với những phần còn lại của một loài khỉ cổ đại Gigantopithecus blacki.

Được khai quật từ một hang đá vôi trên một đảo thuộc tỉnh Hải Nam, những hóa thạch cho thấy cả loài gấu trúc lẫn khỉ Giganto đều có thực đơn chung là tre, trúc. Cách đây 400.000 năm, đảo Hải Nam là một bán đảo địa hình đồi núi và mọc rất nhiều tre, trúc. Ngày nay, đảo cách đất liền khoảng 25 km.

Cuộc chiến sinh tồn

Russel Ciochon, giáo sư Đại học Iowa từng tham gia vào nhiều cuộc khảo cổ tại Trung Quốc tuy không bao gồm khảo cổ ở đảo Hải Nam, phát biểu rằng phát hiện trên cung cấp thêm kiến thức về nơi lưu trú của loài khỉ khổng lồ Giganto cao đến 3m, “loài khỉ lớn nhất từng xuất hiện trên trái đất.”

Một hang đá vôi trên một đảo thuộc tỉnh Hải Nam, những hóa thạch cho thấy cả loài gấu trúc lẫn khỉ cổ đại đều có thực đơn chung là tre, trúc. (Ảnh: National Geographic)

Loài khỉ Giganto tuyệt chủng cách đây 300.000 năm, sau khoảng nửa triệu năm sống chung với loài người sơ khai. Huang cho rằng loài khỉ này biến mất trong cuộc đấu tranh giành chỗ ở, thức ăn với gấu trúc và cả con người.

Hóa thạch gấu trúc được tìm thấy gần hóa thạch Giganto và những hóa thạch người ở Trung Quốc từng được phát hiện lân cận gấu trúc cổ đại.

Nếu con người sơ khai được trang bị vũ khí từ rìu đá và lửa, di cư xuyên qua phía nam Trung Quốc ngày nay tương tự như loài gấu trúc thì có thể họ đã gặp phải loài khỉ khổng lồ này. Hóa thạch của loài người sơ khai Vượn người Bắc Kinh hoặc Homo erectus được phát hiện gần Bắc Kinh ở phía bắc Trung Quốc cách Hải Nam khoảng 2.000 km về phía bắc.

Ciochon cho biết, ông từng nghĩ rằng Giganto là kẻ thua cuộc đầu tiên trong cuộc chiến sinh tồn với gấu trúc và loài người nhưng bây giờ ông không còn chắc chắn nữa. “Gấu trúc và Giganto sống cạnh nhau trong các khu rừng cận nhiệt đới và cạnh tranh nguồn thức ăn nhưng Homo erectus cũng có thể sống ở một khu vực khác.”

Các nhà khảo cổ hiện chưa tìm thấy hóa thạch Homo erectus ở miền nam Trung Quốc nhưng hiện nay họ vẫn chưa thám hiểm hết toàn bộ khu vực.

Sự sống còn của loài gấu trúc

Huang cho biết, hóa thạch gấu trúc Hải Nam tiết lộ thêm thông tin về quá trình tiến hóa của loài này 8 triệu năm từ động vật ăn thịt sang ăn trúc.

Theo các nhà khoa học, loài gấu trúc khởi đầu là một loài ăn thịt dữ tơn. Ngày nay, gấu trúc là động vật ăn thực vật và chúng có thể dành đến 12 giờ một ngày để ăn thân, lá trúc. Hóa thạch mới tiết lộ cách đây 400.000, gấu trúc không lớn hơn hiện nay lắm và vào thời điểm đó chúng đã sống hoàn toàn dựa vào cây trúc.

Huang cho biết, gấu trúc thường bị săn lấy da và lông, điều này cũng xảy ra với tổ tiên của nó cách đây hàng trăm nghìn năm. “Cách đây 400.000 năm, số lượng gấu trúc nhiều hơn con người.” Theo các nhà bảo tồn thiên nhiên ở Trung Quốc, dân số của Trung Quốc đã lên đến 1,3 tỉ người trong khi gấu trúc giảm chỉ còn khoảng 1.600 con.

Trung Quốc bắt đầu phối hợp với các nhà bảo tồn quốc tế để cứu loài vật này khi điều tra của chính phủ thông báo về con số đáng báo động 1.100 con. Fan Zhiyong, Giám đốc chương trình bảo tồn của tổ chức phi lợi nhuận WWF ở Trung Quốc, phát biểu: Số lượng gấu trúc đã giảm mạnh bởi những hoạt động quy mô rộng của con người như xây dựng đường, đập, khai khoáng, du lịch, đốn gỗ và săn bắt.

Các nhà bảo tồn đã đề cập đến nhiều biện pháp cứu loài gấu trúc khỏi tuyệt chủng như biến việc săn bắt gấu trúc thành tội ác, thiết lập hệ thống các khu bảo tồn gấu trúc ở chân núi Himalaya phía tây Trung Quốc và tiến hành thúc đẩy sinh sản cho gấu trúc nuôi nhốt.

Hiện tại, nhà cổ sinh vật học Huang đã đề nghị thiết lập hệ thống dữ liệu DNA của gấu trúc nhằm thiết lập lịch sử tiến hóa của loài gấu trúc. Huang cho rằng khám phá bí mật về gien gấu trúc trong quá khứ có thể là mấu chốt để bảo vệ tương lai của loài động vật này.

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 1.694