Nó có kích thước cơ thể tương đương một con sóc, thuộc Phaner - chi vượn cáo hiện chỉ có 4 loài với đặc điểm chung là bộ lông ở phần trên cơ thể có sọc đen hình dạng chữ Y. Do đó, phát hiện này nâng tổng số thành viên chi vượn cáo Phaner lên con số 5.
Loài vượn cáo mới sống về đêm, cơ thể có các chi to để bám chặt cây khi leo trèo, ngoài ra nó còn có cái lưỡi dài để lấy và ăn mật hoa. Nó được phát hiện tại Daraina - khu rừng khô hạn đang được bảo vệ thuộc phía đông bắc Madagascar.
Loài vượn cáo mới phát hiện có bộ lông sọc hình chữ Y độc đáo. (Ảnh: Discovery).
Lần đầu tiên - theo tiến sĩ Russell Mittermeier, chuyên gia nghiên cứu động vật linh trưởng, đồng thời là Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) và các đồng nghiệp - thì họ đã nhìn thấy loài vượn cáo mới này vào năm 1995 trong một cuộc thám hiểm tại khu rừng trên.
Mãi cho đến tháng 10 năm 2010, đoàn thám hiểm do ông Mittermeier dẫn đầu, cùng nhà di truyền học Ed Louis tại sở thú Omaha, bang Nebraska, Mỹ và các nhà làm phim về lịch sử tự nhiên của hãng BBC (Anh) mới trở lại khảo sát, tìm kiếm dấu vết của loài vượn cáo nói trên.
Công sức họ bỏ ra cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Họ tái phát hiện nó, thu thập mẫu loài này bằng cách bắn súng chứa thuốc gây mê. Sau đó, họ tiến hành phân tích ADN, xác định đây thực sự là một loài vượn cáo mới.
“Chúng ta có thêm một phát hiện đáng chú ý từ quốc đảo Madagascar - nơi có mức đa dạng sinh học cao nhất thế giới và cũng là một trong những địa điểm chứa đựng những điều ngạc nhiên nhất hành tinh”, ông Mittermeier nói.
Theo Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI), trong thập kỷ qua có 63 loài động vật linh trưởng mới được phát hiện trên thế giới, trong đó có 42 loài vượn cáo mới mà điều kỳ diệu là chúng chỉ được tìm thấy tại Madagascar - nơi đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn phá rừng, thống kê cho biết các khu rừng trù phú của quốc đảo này hầu hết đã bị phá hủy (mất khoảng 90%).
Các nhà khoa học cho biết cần phân loại loài vượn cáo mới ở mức nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) do nó chỉ sống trong giới hạn trong rừng Daraina.