Lần đầu học kiếm ăn, đàn báo săn con loay hoay không thể giết chết linh dương và để vuột con mồi vào tay khỉ đầu chó.
Con khỉ đầu chó đực to lớn chạy tới, cướp linh dương con cho riêng mình.
Laura Dyer ghi hình "buổi học" có kết thúc bất ngờ của đàn báo săn con trong khu bảo tồn Masai Mara, Kenya, Mail hôm 19/1 đưa tin. "Đàn báo săn chỉ chưa đầy 6 tháng tuổi. Mẹ chúng đã bắt linh dương Thomson sơ sinh về để chúng học cách săn mồi", cô cho biết.
Thay vì vồ lấy và hạ gục linh dương, đàn báo con chỉ vây quanh con vật nhỏ và không thể giết chết nó. Nhiều lần linh dương chạy trốn, đàn báo con đuổi theo và bắt lại. Chúng ghìm con mồi xuống đất, loay hoay cắn cổ nó nhưng vẫn không thành công.
"Dĩ nhiên đàn báo con không biết gì vì đây là lần đầu tiên chúng tập săn mồi. Chúng không biết làm thế nào để giết chết linh dương. Chuyện này tiếp diễn trong khoảng 40 phút dưới sự theo dõi của báo mẹ, cho đến khi một con khỉ đầu chó đực to lớn nhận thấy sự náo động và chạy tới, cướp linh dương con cho riêng mình", Dyer kể lại.
Khỉ đầu chó đuổi ba con báo nhỏ ra xa rồi chạy theo linh dương để tóm lại. Lần này, linh dương chịu vết thương chí mạng ở cổ. Nó nhanh chóng bị khỉ đầu chó tha đi. "Khỉ đầu chó đôi khi cũng bắt và giết mồi, nhưng chuyện này vẫn rất khác thường", Dyer cho biết.
Khỉ đầu chó (Papio) sinh sống ở châu Phi và bán đảo Arab. Chúng là động vật ăn tạp, từ hoa quả, rễ cây, đến chim, động vật gặm nhấm, thậm chí con non của linh dương và cừu. Khỉ đầu chó sống theo đàn, có thể gồm vài chục đến vài trăm thành viên.
Báo săn (Acinonyx jubatus) là động vật có vú nhanh nhất trên cạn, sinh sống phổ biến ở châu Phi và Iran. Chúng có thể tăng tốc từ 0 km/h lên 95 km/h chỉ trong ba giây. Con mồi của chúng gồm linh dương, thỏ, dê hoang và một số loài vật khác. Báo săn mẹ thường đẻ 2 - 4 con non một lứa. Các con non sẽ sống cùng mẹ và học cách sinh tồn trong khoảng 16 tháng.