Cao Nam mộc hương là thành phần trong những sản phẩm được coi là chất bổ sung thực phẩm có những tính chất trị liệu khác nhau, như trị chàm hoặc béo phì. Tuy nhiên, chúng lại chứa một hoạt chất chính đáng sợ, đó là những phân tử gây đột biến gien và gây ung thư cho dạ dày, bàng quang, thận và tinh hoàn.
Đầu năm 2004, Giáo sư Jean - Louis VanherWeghem, thuộc Bệnh viện Erasme ở thủ đô Brussels, Bỉ, ngạc nhiên khi thấy Khoa Thận do ông phụ trách tiếp nhận rất đông phụ nữ mắc bệnh thận trầm trọng.
Chỉ trong vòng hai năm 2004-2005, số bệnh nhân đã vượt quá con số 100, đó là những trường hợp suy thận đặc biệt ở những người không có tiền sử bệnh. Hậu quả là thận bị hủy hoại hoàn toàn và 70% số nữ bệnh nhân được duy trì sự sống bằng biện pháp chạy thận hay ghép thận nhân tạo.
|
Giáo sư Jean - Louis VanherWeghem (Ảnh: ucb-group) |
Phân nửa số bệnh nhân mắc chứng ung thư bể thận, niệu đạo hay bàng quang. Phân tích mô thận của họ, thấy có sự biến đổi ADN. Các chuyên viên y tế tìm hiểu và nhận thấy những nữ bệnh nhân này có một điểm chung rõ rệt, đó là họ đã theo một cách trị liệu để giảm béo tại cùng một phòng khám bệnh, được dùng một chế phẩm có chất nền là dược thảo theo y học cổ truyền Trung Hoa.
Những thứ cây cỏ được xem là “
tự nhiên” và “
vô hại” này lại có khả năng gây xáo trộn di sản di truyền trong tâm tế bào của con người.
Một cuộc điều tra dịch tễ đã nhanh chóng xác định thành phần thủ phạm: đó là
Aristolochia fangchi, một thực vật được ghi trong dược thư cổ Trung Hoa thuộc họ Nam mộc hương.
Tuy nhiên, tất cả những thực vật thuộc họ Nam mộc hương (Aristoloches) chứa một hoạt chất chính đáng sợ, đó là những phân tử gây đột biến gien và gây ung thư cho dạ dày, bàng quang, thận và tinh hoàn.
Do vậy, việc sử dụng tất cả những thực vật có chứa những chất này bị cấm tại đa số các quốc gia từ nhiều năm nay. Sự cấm này bao gồm cả những dược thảo có thể dùng để thay thế Nam mộc hương do nhầm lẫn, đương nhiên cấm cả các chế phẩm hay cao chứa Nam mộc hương.
Cao Nam mộc hương tiếp tục được bán trên thị trường, là thành phần trong những sản phẩm được coi là chất bổ sung thực phẩm có những tính chất trị liệu khác nhau, như trị chàm hoặc béo phì. Sản phẩm được rao bán trên Internet thì không thể kiểm soát nổi.
Đầu năm 2006, Trung tâm quốc tế nghiên cứu về ung thư (CIRC), có trụ sở đặt tại thành phố Lyon, Pháp đã cho công bố một tài liệu gồm 82 tập, thống kê một cách hệ thống những chất gây ung thư, trong đó có Nam mộc hương.
Tài liệu này cũng nêu tên những thực vật khác, cũng là chất gây ung thư ít ra là trên loài vật. Gây ung thư không phải là nguy cơ duy nhất. Một số dược thảo được bán ở các quầy thuốc cũng có nhiều tác dụng nguy hại, thậm chí gây chết người, riêng số nạn nhân được ghi nhận vì cây ma hoàng (éphédra) ở Mỹ đã lên đến vài trăm. Tuy vậy, chất độc này vẫn được mua bán cho dù đã bị cấm tại một số nơi.
Ma hoàng là một loại cây nhỏ, có hoa vàng và trái đỏ, mà công nghiệp dược phương Tây đã trích ra chất éphédrine làm giảm nghẹt mũi và làm thuốc trị suyễn, được bán theo toa và theo những liều lượng rõ ràng.
Thầy thuốc đông y cũng sử dụng chất này. Trên Internet, ma hoàng được quảng cáo là thuốc làm tiêu mỡ, có nguồn gốc thực vật (tức là vô hại), làm giảm tỉ lệ triglycérid và cholesterol. Nó còn được ca ngợi làm phát triển khối cơ một cách ngoạn mục và hài hòa, cho cơ thể sức chịu đựng siêu nhiên, cảm giác sảng khoái.
|
Cây Nam Mộc Hương. (Ảnh: CAND) |
Tóm lại, đó là một loại chất kích thích hoàn hảo, được xem là chất bổ sung tiết độ tự nhiên tại một số phòng tập thể hình.
Theo những thống kê của CIRC, chỉ riêng trong năm 2005, kiểu sử dụng vô độ ma hoàng, chỉ với mục đích giảm béo đã gây ít nhất 81 trường hợp tử vong ở Mỹ. Những chế phẩm có chứa ma hoàng cũng gây tình trạng choáng váng, run rẩy, đau đầu, loạn nhịp tim, co giật, loạn thận, sỏi thận và rất độc cho gan.
Ma hoàng trở nên đặc biệt nguy hiểm khi được kết hợp với những chất kích thích như cafein và những thứ có chứa cafein như cà phê, trà xanh, hạt cola...
Tài liệu được CIRC công bố cũng nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa các quy định của các quốc gia liên quan đến dược thảo. Ở Đức, thuốc sắc dược thảo cũng phải tuân thủ những quy định như mọi dược phẩm thông thường khác.
Ngược lại, ở Mỹ, những sản phẩm dược thảo không được xem như thuốc mà chỉ là chất bổ sung khi ăn kiêng, thậm chí được xem là thực phẩm nên được bán và tiêu thụ gần như tự do.
Cũng theo báo cáo của CIRC, cùng một tên, bằng chữ Hán và chữ Nhật, đôi khi lại chỉ hai cây hoàn toàn khác nhau. Và những phân tích thường cho thấy nhãn mác không phải lúc nào cũng ghi đúng. Chẳng hạn cao sâm có thể chứa trong khoảng 50% và 150% so với liều được ghi, cũng có thể là 0%.
Đôi khi điều ngược lại cũng xảy ra: chế phẩm chứa những chất có hoạt tính, nhưng không được ghi trên bao bì. Những người sản xuất dược phẩm cổ truyền không tin tưởng lắm vào hiệu quả của một thứ bột chữa bách bệnh của họ, nhưng muốn làm hài lòng khách hàng, nên đã cho thêm vào bột thuốc những phân tử tân dược.
Vì thế tại Bỉ, có những chất kháng viêm bảo đảm là bằng thảo dược, nhưng lại chứa cortisone. Còn tại Canada, Cơ quan kiểm tra y tế của quốc gia này đã phát hiện những viên Hua Fo, sản phẩm đặc chế của một hãng dược phẩm ở Trung Quốc, được giới thiệu là giúp cải thiện chức năng tình dục nhờ một hỗn hợp các dược thảo, thực ra lại chứa đầy sildenafil, tức là viagra.
Khuyến cáo của CIRC còn cho rằng: Khi ta tưởng rằng được điều trị theo phương cách truyền thống và tự nhiên, chỉ hấp thu những cây thuốc tốt lành thì chính ta lại vô tình chơi trò may rủi với sức khỏe của bản thân vì không biết chính xác thứ mà ta sử dụng. CIRC còn lưu ý rằng các phương thuốc truyền thống của châu Á và châu Phi thường được sử dụng một cách sai lạc tại các quốc gia phương Tây, chẳng hạn được quảng cáo giúp làm giảm béo hay làm tăng khối cơ, thế mà chúng không hề được dùng cho những chỉ định này tại các xứ sở gốc gác của chúng.
Từ năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra một chiến lược toàn cầu liên quan đến những nền y học truyền thống. Đây là một kế hoạch kéo dài trong nhiều năm, nhằm tìm hiểu các nền y học trên, lượng giá hiệu quả và lợi ích về mặt y tế công cộng tại quốc gia xuất xứ và các quốc gia phát triển, trong đó châm cứu và dược thảo giữ một vai trò quan trọng.
V.H.