Tình trạng ấm lên của khí hậu toàn cầu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn trên thế giới, đó là lời cảnh báo của các chuyên gia tại một hội thảo y tế với chủ đề "Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với sức khỏe con người" do Hội Vi sinh Mỹ tổ chức tại Chicago ngày 18/09.
Theo các nhà khoa học dự hội thảo, khí hậu ấm lên là môi trường lý tưởng cho các virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khác sinh sôi, nảy nở. Ví dụ virus Tây sông Nile, vốn xuất xứ từ Châu Phi, hiện có thể tìm thấy trên khắp Canada, Mỹ.
Ông McMichael, một nhà nghiên cứu dịch tễ học thuộc trường Đại học Tổng hợp Canberra (Australia), cho rằng chính nhiệt độ tăng lên tại khu vực Bắc Mỹ là nguyên nhân khiến loài muỗi truyền virus này có thể sống được ở môi trường mới.
(Ảnh: AFP) |
Các chuyên gia về biến đổi khí hậu dự đoán nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm từ 1,8 - 4 độ C vào năm 2100. Theo họ, khí hậu ấm lên cũng là nguyên nhân khiến các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, sốt xuất huyết v.v... khó điều trị dứt điểm hơn, làm số người tử vong do các căn bệnh này trên thế giới mỗi năm mỗi tăng.
Để ngăn không cho tình trạng biến đổi khí hậu có thể gây ra những cuộc khủng hoảng về y tế, ông McMichael cho rằng các nhà nghiên cứu cần bắt đầu nghĩ đến mối liên kết giữa khí hậu với bệnh nhiễm khuẩn để có những cách thức phòng tránh hiệu quả hơn.
Trong một phát biểu gần đây, Tổng Thư ký Liên hợp Quốc Ban Ki-moon cũng nói rằng ông hy vọng hội nghị cấp cao về môi trường tổ chức tuần tới tại New York (Mỹ) sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo trên thế giới có đánh giá nghiêm túc hơn về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với môi trường và có hành động ứng phó kịp thời trước khi quá muộn.