Khi nào nên dùng nước nóng, khi nào thì dùng nước lạnh để giặt vết bẩn?

  •  
  • 632

Chọn nước nóng hay nước lạnh để loại bỏ những vết bẩn phiền toái sẽ phụ thuộc vào chất liệu vải và loại chất nhuộm màu cho nó, nhưng nhìn chung, nước lạnh luôn là một phương án tiếp cận an toàn, không làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Hãy tưởng tượng một ngày hẹn hò, bạn đã chuẩn bị quần áo "đẹp lồng lộn", nhưng rồi bất cẩn để cho nó bị vấy bẩn. Sự hoảng loạn bắt đầu, bạn cố gắng mày mò trong trí óc nhưng không tài nào nhớ ra được những mẹo từng biết về cách loại trừ vết bẩn. Nên dùng nước nóng hay nước lạnh? Giấm hay soda? Chiếc áo này được làm từ chất liệu gì?

Rõ ràng, tự trang bị cho mình một vài mẹo hiệu quả vào lúc này là rất cần thiết. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách để loại bỏ vết bẩn với nước một cách thật đơn giản và hiệu quả.

Vết bẩn là gì?

Vết bẩn
Vết bẩn là một sự đổi màu hoặc dấu vết hằn lên có thể nhìn thấy rõ ràng trên một bề mặt hoặc chất liệu.

Mặc dù hầu như mọi người đều biết một vết bẩn trên quần áo trông như thế nào nhưng sẽ thật khó để mô tả chúng một cách cụ thể. Vết bẩn là một sự đổi màu hoặc dấu vết hằn lên có thể nhìn thấy rõ ràng trên một bề mặt hoặc chất liệu. Chúng được gây ra bởi sự tương tác hóa học và vật lý của hai thành phần khác nhau. Hầu hết các vết bẩn có hai loại: gốc dầu và gốc nước.

Một vết bẩn gốc nước sẽ bắt nguồn từ những đồ uống và hầu hết các loại chất lỏng, nó có thể là giọt nước bắn ra khi cắt trái cây hay bất kỳ thứ gì khác có thành phần chủ yếu là nước. Trong khi đó, vết bẩn gốc dầu sẽ từ những thứ như là nước sốt, dầu giấm, mỡ hoặc các loại dầu, đây là những chất có nồng độ nước thấp. Có một số vết bẩn sẽ khiến bạn cực kỳ nản lòng như mực, rượu, sô cô la, son môi hoặc thuốc sơn – chúng phải được xử lý bằng nhiều phương pháp và khó loại bỏ hơn, đặc biệt nếu đó là một màu thuần, đặc trưng.

Giống như việc có nhiều loại vết bẩn khác nhau, nhiệt độ của nước và chất mà bạn sử dụng để làm sạch nó cũng sẽ rất "muôn màu, muôn vẻ". Ví dụ như, bạn không thể sử dụng nước trên các chất bẩn có gốc dầu, vì nó sẽ làm mọi thứ tệ hại hơn và tất nhiên cũng cần cẩn trọng khi dùng đến những phương pháp cổ điển, ví dụ như là soda (nước có ga). Các vết bẩn gốc dầu thường phải giặt khô để loại bỏ hoàn toàn các dấu vết, nhưng nếu buộc phải rửa sạch vết bẩn ở nhà thay vì đem ra tiệm, hãy chú ý đến nhiệt độ nước mà bạn sử dụng.

Khi nào thì dùng nước nóng?

Nếu bạn bất cẩn để cho những món đồ có màu trắng hoặc nhạt màu dính phải màu khác, hay có một món đồ gì đó rất bẩn, thì nước nóng là một lựa chọn tuyệt vời. Chẳng hạn như tã và đồ lót cần được ngâm trong nước nóng do màu sắc và yêu cầu vệ sinh cao đối với chúng. Nước nóng rất hiệu quả trong việc loại bỏ vết bẩn vì nó kích hoạt bột giặt tốt hơn là nước lạnh, đồng thời làm hòa tan hoàn toàn chất tẩy rửa dạng bột, khiến chúng hoạt động hữu hiệu hơn. Như đã đề cập ở trên, chất bẩn có gốc dầu thường cần phải giặt khô, nhưng nếu phải giặt tại nhà thì nhớ: luôn luôn sử dụng nước nóng! Nước nóng cũng là một lựa chọn đúng đắn dành cho những bộ đồ lem đầy màu sắc, sô cô la hay rượu vang đỏ.

Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây là nước nóng sẽ khiến cho quần áo dễ bị chảy hoặc phai màu. Hơn nữa, nước nóng có thể làm cho quần áo co lại, đặc biệt nếu chất liệu đó là vải len hoặc bất kỳ một chất liệu mỏng manh nào khác.

Nước ấm (30- 45 độ C) có thể không mang đến nhiều tác dụng vệ sinh như nước nóng (khoảng 55 độ), nhưng nó sẽ phù hợp với nhiều loại quần áo phổ biến, như là quần jean hoặc vải nhân tạo. Ưu điểm của nước ấm là nó có thể làm sạch quần áo mà bạn không phải nơm nớp lo sợ vải bị co rút hoặc chảy màu.

Khi nào thì dùng nước lạnh?

Nước lạnh có thể được sử dụng với bất cứ loại vết bẩn nào
Nước lạnh có thể được sử dụng với bất cứ loại vết bẩn nào.

Nước lạnh có thể được sử dụng với bất cứ loại vết bẩn nào, mang đến những hiệu quả khác nhau, nhưng cũng có một số mặt hàng quần áo và vải bẩn chỉ nên giặt trong nước lạnh. Với những bộ đồ có chất liệu mỏng manh, như là từ len, lụa, satin hay sợi vải nhuộm bằng tay thì bạn nên sử dụng nước lạnh (từ khoảng 30 độ C trở xuống).

Ngoài ra, nếu vết bẩn có gốc protein, như là máu, trứng, sữa (sản phẩm từ sữa), chất khử mùi, keo dính thì nên dùng nước lạnh để loại bỏ. Nếu bạn sử dụng nước nóng thay thế, thì xin chúc mừng, bạn đang "nấu" các protein đấy, điều này sẽ khiến cho chúng liên kết chặt hơn với sợi vải và gần như không thể loại bỏ được.

Một số vết bẩn mà bạn nên sử dụng nước lạnh để làm sạch bao gồm: mứt, thạch, trà, cà phê, xì dầu, nước tiểu, thức ăn cho trẻ em, sơn.

Nếu còn phân vân, không chắc chắn về nhiệt độ nước nên sử dụng, thì tốt nhất là chọn nước lạnh, như thế sẽ ít khả năng gây ra thiệt hại cho tài sản của bạn hơn. Mặc dù đây không phải là một lời khuyên hoàn hảo nếu như bạn muốn làm sạch quần áo thật kỹ lưỡng, nhưng nó sẽ giúp tiết kiệm phần nào ngân sách, giúp quần áo hao mòn chậm hơn và ngăn ngừa chúng co lại hoặc biến dạng khiến cho những bộ đồ của bạn gây "đau mắt người nhìn".

Lời kết

Sẽ luôn có các phương pháp truyền thống để giúp loại bỏ vết bẩn khỏi quần áo, từ soda và giấm cho đến nước chanh, oxy già, nhưng nếu như không thể nhớ được hết tất cả các mẹo, thì ít nhất bạn nên biết lúc nào nên sử dụng nước nóng và khi nào là cho nước lạnh! Đối với những món đồ mỏng manh bị dính phải chất bẩn từ protein hay không muốn chúng bị co rút hay chảy màu, hãy sử dụng nước lạnh. Đối với những vết bẩn "cứng đầu", hoặc nếu bạn đang giặt quần áo trắng, nhạt màu được làm từ vải nhân tạo, thì nước nóng sẽ là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn!

Cập nhật: 13/04/2020 Theo vnreview
  • 632