Các nhà nghiên cứu Mỹ đang đề xuất một phương thức chia sẻ trách nhiệm trong cắt giảm lượng khí nhà kính giữa các quốc gia một cách công bằng hơn. Đó là nước nào càng nhiều người giàu sẽ càng phải cắt giảm nhiều.
CNN cho biết phương pháp xác định mục tiêu giảm khí thải quốc gia theo số người có thu nhập cao dựa trên lập luận những người càng kiếm được nhiều tiền càng thải ra nhiều khí CO2 hơn. “Phương pháp này công bằng hơn” - CNN dẫn lời học giả Shoibal Chakravarty thuộc nhóm nghiên cứu Viện Môi trường Princeton (PEI).
Dựa trên các dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nhóm nghiên cứu PEI xác định thu nhập và khí thải có mối quan hệ chặt chẽ ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. “Một cá nhân có thu nhập tăng thêm 10% thì cũng thải thêm 10% khí CO2. Điều này đúng ở mọi nơi trên thế giới” - ông Chakravarty khẳng định. Theo các nhà nghiên cứu, có càng nhiều tiền thì người ta càng mua nhiều hàng hóa, mà việc sản xuất hàng hóa lại sản sinh ra khí CO2.
Khói xe (Ảnh: Reuters) |
Việc đặt ra các mục tiêu giảm khí thải một cách công bằng đã là điểm gây tranh cãi giữa các quốc gia trong rất nhiều năm qua. Các nước giàu từ chối cắt giảm mạnh khí thải nếu các nước đang phát triển không cam kết hành động tương tự. Còn các nước đang phát triển thì cho rằng các nước giàu phải chịu trách nhiệm chính bởi đã xả ra phần lớn lượng khí nhà kính trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu PEI lập luận một nước nghèo ban đầu có thể sẽ không phải cắt giảm khí nhà kính do phải đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch để phát triển kinh tế. Nhưng khi trở nên giàu có hơn, quốc gia này sẽ phải thực hiện việc cắt giảm và khi đó cũng có đủ nguồn lực để thực hiện.