Khí nhà kính làm tăng các trận mưa cực đoan

  •  
  • 423

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên thư viện điện tử Geophysical Research Letters, một khi Trái đất nóng lên do sự gia tăng tập trung các khí nhà kính, cường độ xuất hiện các trận mưa cực đoan càng tăng.

Nghiên cứu (do các nhà khoa học đến từ Viện hợp tác khí hậu - vệ tinh của Trường ĐH Bắc Carolina (CICS-NC), Trung tâm tư liệu khí hậu quốc gia thuộc Cơ quan Khí tượng thủy văn Mỹ (NCDC), Viện nghiên cứu sa mạc, Đại học Wisconsin-Madison và Viện ERT thực hiện) cho rằng độ ẩm tăng thêm do bầu khí quyển ấm hơn sẽ chi phối tất cả các yếu tố, dẫn đến sự gia tăng mưa với cường độ cao nhất "một cách đáng chú ý".

Khí nhà kính làm tăng các trận mưa cực đoan
Theo một nghiên cứu mới đây, khí nhà kính sẽ làm tăng cường độ xuất hiện các trận mưa cực đoan - (Ảnh: wikimedia.org)

“Chúng tôi tin chắc về việc càng lúc sẽ càng có nhiều trận mưa cực đoan vì bầu khí quyển sẽ luôn được cung cấp nước - "nguồn nhiên liệu" cho mưa cực đoan”, Kenneth Kunkel - giáo sư nghiên cứu cao cấp tại CICS-NC, nói.

Nghiên cứu cũng cho thấy đến cuối thế kỷ 21, mưa sẽ tăng tối đa 20-30% trên hầu khắp Bắc bán cầu nếu khí nhà kính tiếp tục được thải ra với cường độ cao.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã xem xét ba yếu tố có thể dẫn đến lượng mưa cực đại có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, gồm độ ẩm trong khí quyển, chuyển động thẳng đứng của không khí trong khí quyển và gió theo phương nằm ngang. Nhóm cũng đã nghiên cứu dữ liệu mô hình khí hậu để tìm hiểu làm thế nào sự phát thải khí nhà kính cao lại gây mưa lớn.

Họ nhận thấy khí nhà kính không làm thay đổi đáng kể chuyển động thẳng đứng tối đa của khí quyển hay gió theo phương nằm ngang, nhưng nếu độ ẩm tối đa trong khí quyển tăng 20-30% thì lượng mưa tối đa cũng tăng tương ứng như thế.

“Những phát hiện của nghiên cứu này và những nghiên cứu tương tự có thể mang đến các thông tin mới nhất cho các kỹ sư và nhà đầu tư trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và đầu tư các cơ sở hạ tầng quan trọng”, Thomas R. Karl - giám đốc NCDC và là đồng tác giả nghiên cứu nói.

Cụ thể, các phát hiện trên có thể được dùng làm “giá trị thiết kế chuẩn" để thiết kế các hồ chứa, các công trình kiểm soát dòng chảy như đập, cống, kênh mương, ao hồ… từ đó giảm mức độ rủi ro do các trận mưa đặc biệt lớn gây ra.

Theo Tuổi Trẻ
  • 423