Càng lớn, khả năng hàm thụ của não càng chậm lại. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không thể học nhanh được.
Hồi còn nhỏ, chúng ta có thể học rất nhanh. Đó là vì não bộ khi đó giống như một tờ giấy trắng, luôn khao khát hấp thụ tri thức và thông tin bên ngoài càng nhiều càng tốt.
Khốn nỗi càng lớn, não cũng bắt đầu ỳ lại. Khả năng học hỏi của bạn chậm hẳn đi, trong khi lượng kiến thức và kỹ năng muốn học thì ngày càng nhiều - như ngoại ngữ hoặc nhạc cụ chẳng hạn.
Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn có cách để khiến mọi thứ trở nên nhanh chóng hơn. Bằng chứng có thể thấy ở Gabriel Wyner. Anh là một nhà khoa học, nhưng đồng thời cũng là một ca sĩ opera khá giỏi, và có thể nói được nhiều thứ tiếng.
Chỉ cần đọc một lần thôi, sau đó thực hành, luyện tập liên tục.
Làm thế nào để Wyner học được nhiều thứ như vậy? Bí kíp hóa ra rất đơn giản, đó là ghi nhớ thông qua luyện tập.
Theo Wyner, bạn không cần phải ngày ngày đọc đi đọc lại danh sách từ mới, cố nhồi nhét vào đầu những từ ngữ vô nghĩa. Trái lại, bạn chỉ cần đọc một lần thôi, sau đó thực hành, luyện tập liên tục.
Đây thực chất cũng là phương pháp dành cho bất kỳ kỹ năng nào đòi hỏi phải vận dụng đến trí nhớ. Khoa học còn có hẳn một hiệu ứng tâm lý dành cho nó, mang tên "hiệu ứng luyện tập" (hoặc hiệu ứng kiểm tra).
Năm 2003 đã có một nghiên cứu chứng minh hiện tượng này, do nhà khoa học Mark Wheeler đứng đầu. Wheeler đã để các ứng viên thực hiện 2 thí nghiệm: đọc một danh sách 40 từ trong năm lần, hoặc chỉ đọc một lần, rồi sau đó làm 4 bài kiểm tra ghi nhớ. Các bài kiểm tra sẽ được thực hiện trong vòng 5 phút sau khi đọc, hoặc sau đó 1 tuần.
Kết quả thì với những bài test liền 5 phút sau đó, các ứng viên đọc 5 lần làm tốt hơn. Nhưng những người chỉ đọc 1 lần rồi kiểm tra, thì bài test sau đó 1 tuần có kết quả tốt hơn hẳn.
Điều này có nghĩa rằng việc luyện tập hoặc kiểm tra luôn các kiến thức vừa hàm thụ có thể tăng khả năng ghi nhớ trong dài hạn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2014 cũng cho kết quả tương tự. Việc làm bài kiểm tra và chấm liền lập tức đem lại hiệu quả lớn hơn (bất kể đáp án sai hay đúng), và giúp thông tin ở lại trong não lâu hơn.
Tóm lại, câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim" của người Việt rất đúng, nhưng tùy vào trường hợp. Bạn có thể chọn cách đọc đi đọc lại để học thuộc lòng mà không hiệu quả, hoặc là đọc một lần rồi làm bài tập, kiểm tra liên tục mà nhớ được lâu hơn. Đó mới là cách để học tập nhanh chóng nhất thôi.