Khoa học lật tẩy những mánh khóe được sử dụng nhiều nhất trong ảo thuật

  •   4,17
  • 20.723

Mỗi tiết mục ảo thuật là cả một quá trình tác động đến não bộ, nhận thức của khán giả, đem lại những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Các ảo thuật gia luôn làm cho chúng ta cảm thấy tiết mục của họ thật nhẹ nhàng và dễ dàng. Nhưng kỳ thực, giống như múa ballet, đằng sau mỗi tiết mục là cả một quá trình dàn dựng rất công phu mà không ai có thể nhận ra.

Tuy nhiên "ảo thuật" xét cho cùng là những "mánh khóe" để đánh lừa nhận thức của con người. Và nay, hai nhà khoa học thần kinh Susana Martinez-Conde và Stephen Macknik thuộc ĐH New York (Mỹ) đã lật tẩy được cách các ảo thuật gia tác động lên não bộ của chúng ta như thế nào.

Nghệ thuật đánh lạc hướng

Một trong những khả năng quan trọng nhất trong ảo thuật chính là khả năng thu hút sự chú ý - hay còn gọi là đánh lạc hướng (misdirection).

Khả năng quan trọng nhất trong ảo thuật chính là khả năng thu hút sự chú ý.
Khả năng quan trọng nhất trong ảo thuật chính là khả năng thu hút sự chú ý.

Đây là một khái niệm dễ bị hiểu nhầm. Khán giả thường tin rằng ảo thuật gia đánh lạc hướng họ bằng một cử chỉ đặc biệt nào đó, nhưng điều này là không đúng. Thay vào đó, họ bị đánh lạc hướng bởi những hiệu ứng ảo thuật, và ở đây não bộ của người xem chính là "trợ thủ đắc lực" cho các ảo thuật gia.

Tại sao ư? Não bộ của chúng ta chịu ảnh hưởng của cái gọi là: điểm nhấn của sự chú ý (spotlight of attention). Trong đó, chúng ta sẽ thường hướng sự chú ý đến một thứ gì đó nổi bật hơn. Nhưng đồng thời não bộ lúc này cũng tự động "ức chế" các sự vật khác bằng cách so sánh với môi trường xung quanh.

Điều này có nghĩa là các nhà ảo thuật chỉ cần hướng sự chú ý của khán giả đến một vị trí nào đó trên sân khấu, và não bộ sẽ tự động làm tất cả mọi thứ còn lại.

Màn ảo thuật làm biến mất đồng xu.
Màn ảo thuật làm biến mất đồng xu: nhà ảo thuật phải giữ đồng xu bằng ngón cái. Khán giả nhìn thấy đồng xu ở tay phải, qua đó hình thành một tín hiệu ở não bộ. Sau đó, tay trái tiếp cận và giả vờ như đã lấy đồng xu - hành động đánh lạc hướng.

Và họ làm như vậy bằng cách nào? Susana tiết lộ một trong những phương pháp hiệu quả nhất là thay đổi hướng nhìn của khán giả, và họ có rất nhiều cách để điều khiển mắt người xem. Ví dụ như đặt câu hỏi: "Đây là quân bài gì?", hoặc "đồng xu này sản xuất năm bao nhiêu?", kết hợp cùng ngôn ngữ cử chỉ.

Đặc biệt, các ảo thuật gia cũng lợi dụng thứ gọi là hiệu ứng đám đông. Ví dụ như khi nhìn thấy một đám đông đang ngước lên trời, người ta sẽ không thể cưỡng lại được mong muốn nhìn theo.

Tay trái lúc này giả vờ như đã cầm lấy đồng xu, và tất cả đều tin như vậy, do hành động này đã kích thích não bộ chú ý đến tay trái hơn.
Tay trái lúc này giả vờ như đã cầm lấy đồng xu, và tất cả đều tin như vậy, do hành động này đã kích thích não bộ chú ý đến tay trái hơn. Kỳ thực đồng xu vẫn ở trong tay phải.

Đồng thời, não bộ ức chế luôn các hình ảnh về tay phải.
Đồng thời, não bộ ức chế luôn các hình ảnh về tay phải. Do đó, sự chú ý dành cho tay phải bị xao nhãng đi, và kết quả là không ai nhận ra mánh khóe họ sử dụng.


Bạn có nhận ra được không?

Đánh lạc hướng bằng các yêu cầu

Nếu chỉ đơn giản là thay đổi ánh mắt, hướng nhìn, nhà ảo thuật sẽ bị bắt bài nhanh chóng. Tuy nhiên, đó không phải là cách duy nhất để đánh lạch hướng khán giả, mà thay vào đó là "chia nhỏ sự chú ý" của họ bằng những yêu cầu nhỏ.

Với cách này, người xem sẽ tự động chú ý vào nơi ảo thuật gia muốn, vì lúc này não bộ buộc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trong cùng một lúc, qua đó giảm đi tính hiệu quả của nó.

Có thể lấy ví dụ ở màn ảo thuật "bóng và cốc" tương đối kinh điển dưới đây.


Màn ảo thuật gồm 3 trái bóng và 3 cái cốc úp ngược. Trái bóng được đặt lên trên đỉnh chiếc cốc, và bằng cách nào đó "chạy" vào trong mà không ai hiểu tại sao.

Màn trình diễn này đã chia sự chú ý của "nạn nhân" ra làm 3 phần, khiến họ khó lòng nhận ra mánh khóe.


Và đây là bí mật: trái bóng thứ 4 bên trong cốc ở giữa.

Lợi dụng cảm xúc

Đánh vào yếu tố cảm xúc là một trong những mánh khóe của các ảo thuật gia. Cảm xúc và sự chú ý vốn không ăn nhập gì với nhau, do đó nếu cảm xúc tăng lên, sự chú ý sẽ giảm xuống. Đây cũng chính là lý do khiến lời khai của nhân chứng thường được đánh giá là "kém tin cậy" và cần điều tra lại kỹ càng.

Một số nhà ảo thuật lợi dụng cảm xúc sợ hãi, vì đây là lúc bộ nhớ của con người hoạt động kém nhất. Có thể lấy ví dụ từ các tiết mục "cưa người" đã từng làm mưa làm gió trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, cảm xúc được đánh vào nhiều nhất lại là sự hài hước. Johny Thompson - nhà ảo thuật gia nổi tiếng cho hay, khi khán giả cười thời gian như ngừng lại, sự chú ý của họ theo đó cũng giảm đi.

Đi qua cơ thể người

Đi qua cơ thể người

Những gì khán giả thấy: Người phụ tá cho nhà ảo thuật đứng trong một cái hộp hình chữ nhật dài, khá hẹp bề ngang. Phần từ vai trở lên và đầu gối trở xuống của người này lộ ra ngoài, phần thân được che bởi một tấm vải sẫm màu. Sau đó, nhà ảo thuật đâm xuyên qua người phụ tá như một thanh kiếm, thò ra ngoài hộp vẫy chào khán giả. Người đứng sẵn trong hộp, hiển nhiên vẫn bình yên vô sự.

Giải mã những "mánh khóe" mà các nhà ảo thuật gia dùng để qua mắt chúng ta.

Sự thật: Mấu chốt hầu như nằm ở độ dẻo dai của người phụ tá. Cụ thể, người này sẽ khéo léo uốn mình sao cho phần đầu và phần chân của mình vẫn giữ nguyên vị trí trước mắt khán giả. Sau tấm màn, ảo thuật gia sẽ chui qua phần trống của hộp, lộ diện theo kiểu như vừa đi xuyên qua người đứng trong hộp.

Nuốt và nhả kim

Nuốt và nhà kim

Những gì khán giả thấy: Nhà ảo thuật cầm cả một nhúm kim khâu ta vẫn thường thấy, nuốt vào một cách ngoạn mục. Sau đó, người này sẽ cho một sợi chỉ vào miệng, nhả từ từ kéo ra được một xâu đầy kim, móc đều đặn vào sợi chỉ.

Sự thật: Cách trình diễn và biểu cảm của ảo thuật gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc "lừa" khán giả trong màn biểu diễn này. Đầu tiên, người trình diễn sẽ khéo léo cho sợi chỉ đã xâu sẵn kim vào miệng trước, đặt các cây kim vào ngay dưới phần trong của hàm răng.

Trên sân khấu, khi thực hiện nuốt kim, người này đương nhiên sẽ không nuốt thật sự mà vẫn giữ các kim này ở trong miệng. Việc cuối cùng cần làm chỉ là nắm đầu sợi chỉ ở trong miệng từ trước và từ từ kéo xâu kim chuẩn bị sẵn ra.

Nằm xuyên qua cây giáo

Những gì khán giả thấy: Một người được đặt nằm trên một cây giáo trông rất sắc nhọn. Tuy nhiên, cây giáo không có vẻ gì là có thể làm người này bị thương cả. Sau một cái phẩy tay của nhà ảo thuật, đầu nhọn của cây giáo xuyên qua người nằm trên đó. Cuối cùng, khi người ta rút người này ra khỏi ngọn giáo, người đó vẫn bình an vô sự.

Nằm xuyên qua cây giáo

Sự thật: Trên cơ thể người nằm lên giáo có trang bị một đai đặc biệt bao gồm một tấm đỡ ở eo có khả năng giúp cơ thể nằm thăng bằng dễ dàng trên ngọn giáo. Ngoài ra, trên đai này còn có một lỗ nhỏ, nông, có thể khớp vào thân của ngọn giáo.

Về phần ngọn giáo nhọn hoắt ở giữa sân khấu, đầu nhọn của nó thực ra chỉ làm bằng cao su mềm hoặc nhựa. Ngoài ra, phần đầu có thể thụt xuống dễ dàng. Khi người thực hiện cuộc "mạo hiểm" nằm lên, đầu nhọn của ngọn giáo sẽ được đẩy xuống.

Thêm vào đó, những người hỗ trợ bê người này lên ngọn giáo sẽ có nhiệm vụ khớp lỗ tròn trên đai ở eo vào thân ngọn giáo. Đó là cách để người biểu diễn nằm được lên.

Phần thú vị hơn nằm ở việc đầu nhọn của giáo xuyên qua người nằm trên đó. Sau khi người trình diễn đã nằm lên, người đóng vai trò là nhà ảo thuật sẽ giả vờ "làm phép" để thu hút ánh nhìn của khán giả.

Trong quá trình đó, người nằm trên giáo sẽ đặt tay lên bụng - nơi đeo đai - một cách nhẹ nhàng, không gây sự chú ý. Trên đai ở bụng sẽ có một mẩu nam châm, khi nhà ảo thuật phẩy tay lần cuối, người này sẽ đặt một đầu giáo bằng sắt cầm sẵn trong tay vào mẩu nam châm. Bằng cách này, khán giả sẽ chỉ thấy một người bị xuyên qua một cách ngoạn mục.

Thêm nữa, màn biểu diễn sẽ không thể hoàn hảo nếu dụng cụ đâm người không được thiết kế với một phần thân có thể hạ xuống. Phần này được điều chỉnh bởi một người ngồi ngoài qua một sợi dây. Khi nhà ảo thuật ra hiệu, ngọn giáo sẽ được hạ xuống, giống như thật sự đã xuyên qua người ở trên.

Cập nhật: 10/02/2020 Theo Trí Thức Trẻ/ngoisao
  • 4,17
  • 20.723