Khoa học Singapore "mắc bệnh" ngộ nhận?

  •  
  • 172

Singapore luôn tự hào là một quốc gia công nghệ tiên tiến và có tầm cỡ thế giới về nghiên cứu và phát triển. Có tới hàng tỷ đô la ngân sách nước này được dùng với mục đích đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học sự sống. Nhưng, mọi sự nhìn nhận có thể sẽ khác nếu những thống kê khoa học được xem xét cụ thể.

Theo thống kê của Viện Thông tin Khoa học (ISI) Thomson, nền khoa học của Singapore đã lãng phí rất nhiều thời gian. Trong những năm 1999-2003, khoảng 20 lĩnh vực khoa học của Singapore đạt chỉ số tương tác (impact factor - dùng để đánh giá tầm quan trọng của các báo khoa học) dưới trung bình của thế giới.

Chỉ có một số lĩnh vực toán học (10% trên trung bình thế giới) và khoa học nông nghiệp (+49) là trên trung bình. Trong khi đó, các khoa học vật lý và kỹ thuật mà Singapore vẫn khoe khoang thì đạt kết quả thảm hại: khoa học vật liệu (-5), hóa học (-11), khoa học máy tính (-18), kỹ thuật (-18), vật lý (-38) và khoa học địa cầu (-52), tất cả đều dưới trung bình. Điều này là hoàn toàn tương phản với số lượng rất nhiều các công trình được công bố trong các lĩnh vực khoa học máy tính, kỹ thuật, khoa học vật liệu, vật lý, và đặc biệt là toán học.

Trung tâm nghiên cứu khoa học Observatory - Singapore
Trung tâm nghiên cứu khoa học Observatory - Singapore (Ảnh: answers)
Thậm chí trong khoa học sự sống, một lĩnh vực rất được quan tâm hiện nay, tình trạng cũng không mấy sáng sủa. Ta có thể xem hai danh mục sau:

1. Các lĩnh vực nóng (dễ thương mại hóa): khoa học nông nghiệp (+48), khoa học về cây trồng và vật nuôi (-2), vi sinh học (-5) , sinh học và hóa sinh (-14), sinh học phân tử (-19)

2. Các lĩnh vực lạnh (truyền thống hoặc khó thương mại hóa): Miễn dịch học (-33), khoa học thần kinh (-36), y học (-36), sinh thái học (-37), dược học (-40), tâm lý học (-50)

Những đóng góp khoa học sẽ được quy cho Singapore khi địa chỉ của tác giả công trình là ở Singapore. Vì thế những số liệu về các công trình của Singapore đã không phân biệt đâu là thành quả thực sự của các nhà nghiên cứu Singapore và đâu là thành quả của những nhà khoa học uy tín người nước ngoài được khuyến khích về tài chính để làm việc ở Singapore.

Cũng cần chú ý thêm rằng tiền sẽ được ưu tiên rót cho những hướng nghiên cứu đã đạt được số trích dẫn trung bình cao nhất. Điều đó sẽ lại càng tạo ra động cơ cho sự thống kê gian lận về thành tích được trích dẫn của các nghiên cứu.

Điều đáng ngại nhất là, cả y học (-36) và và giáo dục (-54) đều rất yếu kém trong cuộc chạy đua giành thành tích được trích dẫn.

Theo các số liệu tổng kết giai đoạn 1999-2003, Singapore xếp thứ 36 về sự phong phú của nghiên cứu khoa học (tính theo số công trình được xuất bản trong tất cả các lĩnh vực), nhưng lại xếp thứ 92 về mức độ tương tác tương đối (số trích dẫn trên mỗi công trình).

Cũng có nhiều người đưa ra lập luận rằng, vì Singapore hạn chế về nguồn nhân lực, không có tài nguyên thiên nhiên, và cũng xuất phát chậm, cho nên những dẫn chứng để phê phán nền khoa học Singapore là không được công bằng cho lắm, và những hạn chế của nền khoa học nước này cũng không phải là nghiêm trọng lắm.

Nhưng, hãy thử so sánh Singapore với những nước khác. Israel chẳng hạn, có dân số chỉ hơn 6 triệu người một chút. Có thể nói rằng, đó là nước có ít tài nguyên thiên nhiên nhất trong các quốc gia Trung Đông, và từ trước tới nay nó thường xuyên ở trong tình trạng tranh chấp, xung đột. Như vậy, theo lập luận trên, đáng ra Israel phải là một trong những nước kém phát triển công nghệ nhất trên thế giới. Nhưng, trên thực tế Israel lại là nước nổi tiếng thế giới về công nghệ cao: nó xếp thứ 16 về mức độ phong phú trong nghiên cứu khoa học và xếp thứ 24 về mức độ tương tác tương đối.

Hiện nay, Hàn Quốc là nước có số lượng công trình khoa học nhiều nhất trong số 5 con hổ châu Á. Bỉ, một quốc gia tương đối nhỏ với chỉ 10 triệu người, có 9,5 công trình trên 1000 người dân và 9,43 trích dẫn trên một công trình (xếp thứ 19). Trong khi đó, các thống kê của Singapore là 8,6 công trình trên 1000 người dân và 4,58 trích dẫn trên một công trình. Thậm chí Lebanon, dù phải trải qua chiến tranh triền miên mà vẫn vượt qua Singapore về mức độ tương tác tương đối của các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học máy tính, một lĩnh vực mà Singapore vẫn coi là thuộc vào những thế mạnh lớn nhất của nó (Lebanon là 1,12; Singapore là 1,03).

Nền khoa học của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Á thường xuyên mắc phải căn bệnh ngộ nhận. Ở một số nước, căn bệnh ngộ nhận này là rất trầm trọng. Căn bệnh ngộ nhận của nền khoa học Singapore có lẽ là khá trầm trọng.

Theo Tia Sáng, VTV
  • 172