Khói hương càng thơm, tàn hương càng cong thì càng độc hại và dễ gây ung thư

  •   4,34
  • 5.604

Khói hương độc không kém gì khói thuốc lá. Không những thế, nó còn có thể là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư mà ít người biết.

Các loại hương thơm thường được sử dụng trong các gia đình Việt như sự thành kính với người đã mất. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng khói hương độc không kém gì khói thuốc lá, đặc biệt là những loại hương có tàn tạo thành hình cong. Những loại hương này thậm chí còn có thể là một trong những tác nhân gây ung thư cho những người thường xuyên hít phải.

Khói hương độc hại hơn khói thuốc lá

Hiện nay, các loại hóa chất được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống, kể cả trong thực phẩm hay đồ dùng cho dù không ít thông tin khoa học đã cảnh báo về nguy cơ ảnh trực tiếp đến sức khỏe con người. Ngay cả những loại hương mà nhiều gia đình Việt vẫn dùng để thờ cúng hiện nay cũng được ngâm tẩm hóa chất độc hại.

Tiến sĩ Rong Zhou thuộc Đại học Công nghệ Hoa Nam (Trung Quốc, nguồn Daily Mail), đã nghiên cứu so sánh mức độ ảnh hưởng của khói hương và khói thuốc lá trên loài chuột. Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với thuốc lá, khói hương độc hơn vì có khả năng gây hại đến tế bào cùng ADN. 2 trong số 64 chất được tìm thấy trong thành phần của hương thuộc diện rất nguy hiểm.

Tác hại của hương được cho là bắt nguồn từ lớp mùn cưa có tẩm tinh dầu hoặc hóa chất để tạo mùi thơm. Khi cháy, hương giải phóng các hạt hóa chất vào trong không khí. Nếu hít vào, những hạt này sẽ mắc lại ở phổi và gây nên các viêm nhiễm. Chúng có thể tấn công các vật chất di truyền, thay đổi ADN của tế bào, từ đó làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh máu trắng và ung thư phổi.

Mặc dù cần có thêm các nghiên cứu khác mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy vậy, tiến sĩ Rong Zhou hy vọng rằng phát hiện của ông sẽ giúp người tiêu dùng thận trọng hơn. Cũng theo tiến sĩ Rong, người dân phải hết sức lưu ý khi đốt hương trong nhà, tốt nhất là nên hạn chế việc đốt hương trong nhà.

Theo nghiên cứu của các tổ chức y tế, khói hương độc hại không kém khói thuốc lá. Khi đốt cháy, chất độc từ hóa chất trong hương sẽ tác động đến đường hô hấp, dẫn đến viêm hô hấp mãn tính và phá hủy các tổ chức cơ thể, dẫn đến biến đổi tế bào, biến đổi gen. Khi là tế bào ác tính, chúng sẽ biến thành tế bào ung thư.

Khói hương độc hại không kém gì khói thuốc lá.
Khói hương độc hại không kém gì khói thuốc lá.

Tàn hương có độ vòng cong lại độc hại

Theo những người buôn bán hương (tại chợ Đồng Xuân), không phải loại hương nào có mùi thơm khi đốt cũng đều được ngâm tẩm bằng các loại thảo dược mà hầu hết đều được tẩm hóa chất như axit photphoric, lưu huỳnh... Theo những người bán hương thì các hóa chất này giúp hương cháy tốt hơn.

Để kiểm chứng xem các loại hóa chất này có hiệu nghiệm như lời người bán quảng cáo, các phóng viên VTV24 đã tiến hành làm thí nghiệm với lưu huỳnh và axit photphoric. Khi dải bột lưu huỳnh ra thành một dãy dài và châm lửa đốt một đầu, với tính chất bắt cháy cao và tỏa nhiệt mạnh, cả dãy bột lưu huỳnh đã nhanh chóng bắt cháy hết và tỏa ra mùi rất khó chịu. Thứ bột này khi được nghiền nhỏ và trộn vào bột hương sẽ giúp hương cháy đều, không bị tắt giữa chừng.

Còn với axit photphoric, một que được nhúng trong axit photphoric, que còn lại để nguyên. Sau khi châm lửa đốt lần lượt từng que, kết quả, que tăm hương không nhúng trong axit cháy hết và rụi tàn. Còn que tẩm axit sau khi đốt cháy bị uốn cong và vẫn giữ nguyên tàn hương, không rụng.

Việc sau khi đốt, tàn hương không cháy rụi mà uốn cong nhìn đẹp mắt khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy thích thú. Và số người lựa chọn loại hương này cũng tăng lên trong khi họ không hề biết rằng, để có được tàn hương như vậy, que hương đã được tẩm những hóa chất rất độc hại.


Hương tẩm hóa chất độc hại có thể gây ung thư.

Muốn tàn hương khi thắp cong xoắn lại không bị gãy nên người ta ngâm hương vào dung dịch axit photphoric (H3PO4). Khi cháy, chất này sẽ làm tăng nhiệt độ, giúp hương cháy nhanh. Đây là điều kiện để tăm hương được cuốn tròn lại và không bị gãy để cho người sử dụng nhầm lẫn tưởng là lộc. Nén nhang cong, đẹp tùy theo nồng độ hóa chất và thời gian ngân tẩm. Vì thế, những que nhang càng cong đẹp thì mức độ nguy hiểm sức khỏe con người ngày càng gia tăng. Bởi trong quá trình đốt cháy hương sẽ tạo ra khí P2O5. Đây là khí độc, nếu ngửi lâu dài có thể gây ngộ độc đường hô hấp, làm võng mạc mắt mờ dần và thị lực có thể giảm nhanh.

Theo bác sĩ Đặng Văn Nguyên,Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội, thì trong các khói nhang có thành phần tạo mùi thơm của nhang là những hợp chất benzen (vòng thơm). Khi đốt cháy chất độc sẽ kích thích tác động liên kết bề mặt của đường hô hấp dẫn đến viêm đường hô hấp mãn tính. Bên cạnh đó, vòng thơm này khi phát tán có khả năng bẻ gẫy cấu trúc tế bào trong cơ thể mà đây là một trong những nguyên nhân gây ung thư.

Loại hương có tàn uốn cong càng độc hại.
Loại hương có tàn uốn cong càng độc hại.

Vì vậy, nếu chúng ta đốt quá nhiều nhang có nghĩa là loại khí CO2, SO2, Nox, formaldehyde sẽ tỏa ra xung quanh. Khi hít phải khói nhang có thể dẫn đến ho, chảy nước mắt, choáng vắng, nhức đầu, khó thở... Nếu hít nhiều thì nguy cơ mắc bệnh viêm phổi là rất lớn. Người tiếp xúc lâu với khói nhang có ngâm tẩm hóa chất này còn rất dễ tổn thương niêm mạc mắt, mờ mắt. Chính vì thế, việc thắp nhang trong gian chật hẹp bị khuyến cáo là không nên.

Ngoài ra, nhiều loại hương còn nhuộm phẩm vàng, đỏ để cây hương có màu tươi đẹp để giữ không bị mốc là do người sản xuất dùng thêm chất chống rêu mốc có trong công nghiệp sản xuất sơn tường ngoài trời khi sử dụng, khói của hương sẽ có mùi khét.

Vì vậy theo các chuyên gia khuyến cáo những người già, trẻ nhỏ và đặc biệt những người có tiểu sử bệnh hô hấp, hen suyễn cần tránh những nơi có khói hương như đền chùa, miếu mạo vì các nơi đó có nhiều que nhang thường được đồng loạt thắp lên với số lượng người tập trung đông sẽ gây nên không khí ngột ngạt. Bên cạnh đó, chúng ta không nên cắm chân hương vào đồ ăn để cúng. Vì chân hương được tẩm hóa chất sẽ dẫn truyền vào thức ăn, dễ gây ngộ độc.

Chính vì thế khi thắp nhang, bạn phải luôn mở cửa thoáng để khói không bị tụ lại một chỗ. Không nên đốt nhang gần chỗ có người ngủ nghỉ. Tốt nhất là tìm mua nhang ở những cơ sở cửa hàng có uy tín. Nếu có dấu hiệu ho sặc, khó thở, cay mắt vì khói nhang bạn nên ra chỗ thoáng mát nghỉ ngơi...

Cập nhật: 28/03/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,34
  • 5.604