Không có dấu hiệu của người ngoài hành tinh trên 10,3 triệu ngôi sao gần Trái đất

  •  
  • 1.560

Các nhà khoa học đã hoàn tất đợt tìm kiếm mới nhất và lớn nhất từ trước đến nay về các nền văn minh bên ngoài Trái đất với việc quét khoảng 10,3 triệu ngôi sao bằng một kính viễn vọng vô tuyến ở Australia.

Để tìm kiếm bằng chứng về khả năng có sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm các “dấu hiệu kỹ thuật” như tín hiệu liên lạc có thể bắt nguồn từ người ngoài hành tinh. Kết quả được công bố trên tạp chí Publications of the Astronomical Society of Australia trong tuần này.

Địa điểm đặt kính viễn vọng vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) ở phía Tây Australia.
Địa điểm đặt kính viễn vọng vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) ở phía Tây Australia. (Ảnh: Reuters).

Bằng cách sử dụng kính viễn vọng vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) đặt tại vùng xa xôi hẻo lánh ở phía Tây Australia, các nhà khoa học tìm kiếm các bức xạ vô tuyến tần số thấp – tương tự tần số đài FM – từ các ngôi sao trong chòm sao Vela.

“Không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi không tìm thấy thứ gì đó”, nhà thiên văn học và hóa học Chenoa Tremblay thuộc cơ quan Khoa học thiên văn & vũ trụ, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia, cho biết hôm 9/9.

“Việc tìm kiếm sự sống bên ngoài Hệ Mặt trời của là một thách thức lớn. Chúng tôi không biết khi nào, bằng cách nào, ở đâu hoặc loại tín hiệu nào chúng tôi có thể nhận được để chỉ ra rằng chúng ta không đơn độc trong thiên hà”, ông Tremblay nói thêm.

Còn theo nhà vật lý thiên văn Steven Tingay của Đại học Curtin ở Australia đồng thời là Giám đốc của Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến ở nước này, cuộc tìm kiếm lần này sâu hơn và rộng hơn gấp 100 lần so với trước đây, nhưng vẫn chỉ mới bao quát một số ít ngôi sao trong vũ trụ.

“Mười triệu ngôi sao dường như là rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà thiên văn ước tính dải Ngân Hà là nơi cư ngụ của khoảng 100 tỷ ngôi sao. Vì vậy, chúng ta mới chỉ xem xét một phần nhỏ thiên hà của mình”, ông Tremblay nói.

“Giả sử như đại dương chỉ chứa 30 con cá và chúng ta cố gắng tìm kiếm chúng bằng cách kiểm tra một khu vực có kích thước chỉ bằng một bể bơi ở sân sau. Cơ hội tìm thấy một trong những con cá đó là rất nhỏ”, nhà khoa học này nói thêm.

MWA là tiền thân của kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới - Square Kilometre Array (SKA). Ông Tingay nói: “Điều quan trọng là không ngừng cải tiến các kỹ thuật và luôn đi sâu và xa hơn nữa. Luôn hiển hiện một cơ hội rằng lần quan sát tiếp theo sẽ là lần quan sát được điều gì đó, ngay cả khi bạn không mong đợi sẽ tìm kiếm được gì. Khoa học có thể gây ngạc nhiên, vì vậy điều quan trọng là tiếp tục tìm kiếm”.

Cập nhật: 10/09/2020 Theo Báo Hà Tĩnh
  • 1.560