Không có thảm hoạ thiên thạch, khủng long vẫn tuyệt chủng

  •   4,522
  • 15.782

Mới đây các nhà khoa học từ đại học Reading (Anh) đã bác bỏ giả thuyết nếu không có thiên thạch rơi xuống Trái đất, khủng long sẽ tiếp tục sinh sôi. Thực ra số lượng các loài khủng long đã suy giảm rất lâu trước khi thảm họa thiên thạch Chicxulub xảy ra.

Phát hiện này sẽ đặt dấu chấm hết cho những tranh cãi xung quanh khủng long trong nhiều năm nay, đồng thời giúp chúng ta hiểu được điều gì đã xảy ra vào thời khắc cuối cùng khi khủng long vẫn còn tồn tại.

Chris Venditti – một trong những nhà nghiên cứu cho biết: "Một trong những điều gây tranh cãi nhất hàng thập kỷ nay về khủng long là chúng đang phát triển thịnh vượng khi thiên thạch rơi, hay trước đó số lượng đã sụt giảm và thậm chí là đã tuyệt chủng".

Trái đất đã xảy ra nhiều biến đổi địa chất lớn, cho dù không có thiên thạch thì khủng long vẫn sẽ tuyệt chủng.
Trái đất đã xảy ra nhiều biến đổi địa chất lớn, cho dù không có thiên thạch thì khủng long vẫn sẽ tuyệt chủng.

Để làm rõ vấn đề, Venditti và các cộng sự đã phân tích số liệu hóa thạch, nhằm tạo ra nhánh phát triển của 3 loài khủng long chính: ornithischians (khủng long hông chim), theropod (khủng long chân thú như T-rex) và sauropods (khủng long hông thằn lằn, đại diện là khủng long cổ dài). Họ cho biết số lượng khủng long đã bắt đầu giảm mạnh vào khoảng 24 triệu năm trước khi thảm họa thiên thạch xảy ra. Đỉnh điểm là khoảng 90 triệu năm trước, số lượng các loài khủng long biến mất tăng cao hơn rất nhiều so với các loài mới được sinh ra. Đây là thời điểm bắt đầu của sự tuyệt chủng kéo dài và thảm họa thiên thạch chỉ là một trong số những tác nhân gây ra quá trình này. Vì vậy nếu thảm họa thiên thạch không xảy ra, khủng long vẫn sẽ bị tuyệt chủng.

Các nhà khoa học cũng đưa ra lời giải thích vì sao loài khủng long lại tự biến mất. Đó là do Trái đất đã xảy ra nhiều biến đổi địa chất lớn. Hai siêu lục địa của Trái đất đã bị tách rời, mực nước biển dao động bất thường. Ngoài ra, nhà địa chất học Gerta Keller tin rằng các siêu núi lửa hoạt động mạnh cũng chính là lý do khởi đầu khiến nhiều loài khủng long trên cạn và dưới biển bị tuyệt chủng. Môi trường sống của các loài khủng long khổng lồ bị thu hẹp, khiến cho chúng khó có thể bắt kịp tốc độ tiến hóa và dễ bị xóa sổ bởi các thảm họa tự nhiên.

Tuyệt chủng là một quá trình kéo dài, thường thì phải mất hơn 1 triệu năm thì 75% các loài trên Trái đất bị tiêu diệt. Và nhiều thảm họa xảy ra mới có thể tiêu diệt được số lượng loài lớn như vậy trên Trái đất. Do đó nguyên nhân khiến cho các loài khủng long tuyệt chủng chính là do Trái đất của chúng ta. Biến động địa chất, thay đổi kiến tạo đã dần giết chết các loài khủng long trong một thời gian dài. Và các thảm họa chỉ làm đẩy nhanh quá trình tuyệt chủng.

Cập nhật: 20/04/2018 Theo songmoi
  • 4,522
  • 15.782