Không xác định được niên đại “thóc cổ” thành Dền

  •  
  • 1.630

"Hai mẫu than lấy trong các hố đất đen ở di tích văn hóa Đồng Đậu tại thành Dền cho niên đại 2960+/-30 và 2970+/-30 năm cách ngày nay (mẫu vật là những hạt gạo cháy). Niên đại rất phù hợp với di tích và di vật”.

Những cây lúa mọc lên từ hạt thóc tìm thấy ở hố khai quật thành Dền
Những cây lúa mọc lên từ hạt thóc tìm thấy ở hố khai quật thành Dền - (Ảnh: Hà Hương)

Đó là kết quả gửi phân tích niên đại AMS của hố khảo cổ thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) từ Nhật Bản để phân tích niên đại từ hạt gạo cháy vừa được PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung công bố.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thể giải đáp được băn khoăn bấy lâu của giới nghiên cứu: những hạt thóc tìm thấy cùng gạo cháy ở tầng văn hóa Đồng Đậu trong hố khai quật liệu có cùng niên đại 3.000 năm hay không!

Trao đổi với PV chiều 3-5, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết: “Chúng tôi gửi cả thóc lẫn gạo tìm thấy ở hố khai quật thành Dền sang Nhật để phân tích niên đại AMS nhưng chỉ có gạo cháy xác định được niên đại khoảng 3.000 năm. Riêng thóc thì không thể xác định do lớp màng bên ngoài đã bị carbon xâm nhập. Ngoài ra, tuy hạt gạo cháy và thóc tìm thấy trong một địa tầng không bị xáo trộn - theo quan điểm của tôi - thì cũng không thể khẳng định được niên đại của hạt thóc đã nảy mầm là khoảng 3.000 năm. Kết quả giám định gạo cháy lần này chỉ giúp khẳng định được niên đại của hố khai quật như đã xác định ban đầu”.

PGS.TS Tống Trung Tín cho biết phân tích AMS là phương pháp xác định niên đại tiên tiến nhất hiện nay, tỉ lệ sai số thấp và Việt Nam chưa tự làm được. Việc xác định niên đại của hạt gạo cháy khoảng 3.000 năm phù hợp với những dự đoán trước đây và thang niên đại của các thời kỳ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Về niên đại “thóc cổ”, ông Tín cho rằng: “Muốn biết chính xác chỉ có cách xác định AMS của vỏ trấu các hạt thóc nảy mầm”.

Những hạt thóc được thu hoạch từ những cây lúa mọc từ “thóc cổ” thành Dền hiện nay vẫn được bảo quản tại Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam. Tiến sĩ Phạm Xuân Hội (trưởng bộ môn bệnh học phân tử) cho biết: “Sau khi xác định đó là giống lúa hiện đại, viện cũng không có nghiên cứu gì thêm nữa. Về niên đại, tôi cho rằng có thể những hạt gạo cháy có niên đại khoảng 3.000 năm, nhưng riêng những hạt thóc đã nảy mầm thì không thể có niên đại như thế. Những cây lúa chúng tôi trồng có đặc tính giống Khang Dân 18 là giống lúa vẫn đang được trồng phổ biến như hiện nay”.

Theo Tuổi Trẻ
  • 1.630