Sử dụng cái đuôi sặc sỡ là cách mà một loài khủng long áp dụng trong việc thu hút bạn tình, các nhà khoa học cho biết.
Khủng long Oviraptor là loài khủng long sống vào cuối kỷ Phấn trắng, cổ dài, đầu có mào và hàm cong. Bên cạnh đó, chúng có một cái đuôi khá linh hoạt, phần lông đuôi có thể xòe ra như cái quạt tương tự như ở những con công ngày nay.
Mô hình khủng long Oviraptor tại Bảo tàng Lịch sử
Tự nhiên ở London. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Tiến sĩ Scott Persons đến từ Đại học Alberta đã trình bày nghiên cứu này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội cổ sinh vật học có xương sống.
Theo đó, ông phát hiện ra rằng Oviraptor – loài khủng long sống cách đây khoảng 75 triệu năm, có phần đuôi với những cái xương được sắp xếp theo một cấu trúc dày đặc khác thường.
“So với hầu hết các loài khủng long khác, đuôi loài Oviraptor ngắn nhưng khá đẹp mắt. Nó ngắn không phải là vì thiếu các đốt sống mà do cấu tạo xương dày đặc, chen chúc nhau. Vì vậy, cách bố trí này làm cho chiếc đuôi trở nên linh hoạt”, Parsons nói.
Và cũng giống như các loài chim hiện đại ngày nay, khủng long Oviraptor có thể đung đưa những chiếc lông đuôi để gây ấn tượng với các “đối tác tiềm năng”.
Tên của chúng theo tiếng Latin có nghĩa là “kẻ trộm trứng”, xuất phát từ việc các mẫu vật đều được tìm thấy gần một ổ trứng có những dấu hiệu cho thấy chúng đã bị đánh cắp. Cho dù vậy, các nhà khoa học vẫn không chắc chắn liệu chế độ ăn của loài khủng long này có bao gồm trứng hay không.