Hôm qua, đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Cục Thú y đã đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ trên 19 mẫu thủy sản nhập từ Nhật của bốn doanh nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết việc đo đếm đã xong, nhưng để có kết luận cuối cùng về các lô hàng, họ cần so sánh với tiêu chuẩn của Bộ Y tế và mẫu cá đối chứng của Việt Nam.
Đoàn kiểm tra đang tiến hành đo nhiễm bẩn phóng xạ trên thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Ảnh: Bộ KH&CN.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ công bố hôm qua, tại Đà Lạt, TP HCM vẫn xuất hiện đồng vị phóng xạ i ốt, ở Lạng Sơn, Hà Nội có thêm đồng vị phóng xạ Cs-137 (xê-ri), nhưng không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Số liệu từ trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho thấy đã phát hiện hạt nhân phóng xạ I-131 và Cs-137 hầu như được tất cả các trạm quan trắc trên bắc Bán cầu. Các trạm quan trắc của mạng lưới CTBTO rất nhạy và có thể phát hiện các hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp trong bầu khí quyển.
Hướng di chuyển của đám mây phóng xạ ở Đông Nam Á ngày 2/4. Ảnh: Bộ KH&CN.
Theo hình ảnh đám mây phóng xạ được tính toán cho hôm nay và ngày mai ở khu vực Đông Nam Á, phần đám mây chính chưa vào thềm lục địa Việt Nam. Đám mây chính có xu hướng bị chia nhỏ và phát tán rộng ra khu vực Đông Nam Á và bay tản mạn giữa Phillipines, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia và Việt Nam.