Kinh hoàng "bóng ma hỏa ngục" thoát xác từ thiên hà khổng lồ

  •  
  • 1.373

Một cấu trúc kỳ lạ và đáng sợ của vũ trụ vừa được phát hiện ở nơi dường như không có thiên hà nào sống nổi.

Sứ mệnh X-ray Multi-Mirror của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) đã phát hiện ra cấu trúc nói trên, là một đám mây khí khổng lồ, lớn hơn cả thiên hà chứa Trái đất Milky Way, một thiên hà thuộc hàng "quái vật".

 Hình ảnh cận cảnh về đám mây khí kỳ lạ
Hình ảnh cận cảnh về đám mây khí kỳ lạ - (Ảnh: ESA).

Theo phó giáo sư – tiến sĩ Ming Sun từ Đại học Alabama Huntsville, đây là một "khám phá đáng ngạc nhiên".

Theo công bố trên website của ESA, "đám mây hỏa ngục" này có khối lượng bằng 10 tỉ Mặt Trời của chúng ta, mang nhiệt độ "hỏa ngục" từ hơn 9.700 độ C đến gần 10 triệu độ C, thuộc về Abell 1367, một cụm thiên hà cách Trái đất 330 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Leo.

Đám mây kỳ lạ nằm trong "vùng đất không thiên hà", hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của cụm Abell 1367 gồm 70 thiên hà nhóm lại với nhau.

Ảnh toàn cảnh nơi đám mây khổng lồ (màu xanh) vừa được phát hiện
Ảnh toàn cảnh nơi đám mây khổng lồ (màu xanh) vừa được phát hiện - (Ảnh: ESA).

Daily Mail cho rằng đám mây này có thể đã tồn tại hàng trăm triệu năm, có nguồn gốc từ một thiên hà cũ kỹ. Thiên hà "mẹ của nó" có thể đã di chuyển nhanh trong khí nóng với vận tốc 1.000-2.000 km/giây, khiến một phần khí bị bay ngược lại, tách ra tạo thành một đám mây khổng lồ.

Tốc độ khủng khiếp đã giúp đám mây khi tách ra giữ được hình dạng khá nguyên vẹn, giống như một bóng ma từ thiên hà cũ.

Cập nhật: 06/07/2021 Theo NLĐ
  • 1.373