Các chuyên gia nhận định Trung Đông có “kinh nghiệm đầy mình” để các khu vực khác học hỏi về sinh tồn trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
Tại các tòa nhà, những khối gỗ Mashrabiya được sử dụng để che cửa sổ lớn nhằm chống nắng. (Ảnh minh họa: gulfnews.com)
Theo kênh DW (Đức), một số phương pháp tối ưu tiềm năng nhất để đối phó với nhiệt độ cao đã hiện hữu ở Trung Đông. Giáo sư Sylvia Bergh tại Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan) chỉ ra rằng người dân Trung Đông đã quen với nhiệt độ cao do đó họ có xu hướng sống trong những ngôi nhà mát mẻ hơn.
Bà Bergh nhận định truyền thống hàng thế kỷ của Trung Đông thích nghi để xử lý tình trạng khan hiếm nước và nhiệt độ nóng nực mang đến kho khiến thức giá trị. Bà đề cập đến một số sự điều chỉnh thích nghi tại Trung Đông như tháp “hứng gió” điều hướng không khí mát vào không gian sống, dùng bình phong thay tường... Một ví dụ khác là các tấm chạm khắc phong cách Mashrabiya từ gỗ hoặc đá, với hoa văn Hồi giáo. Chúng được đặt trước các cửa sổ lớn, chặn và khuếch tán ánh nắng, tạo điều kiện để không khí trong lành đi vào không gian sống đồng thời tạo ra sự riêng tư.
Ngoài ra, một số dự án xây dựng mới tại Trung Đông còn lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống để tối đa hóa bóng râm thụ động và lưu thông không khí trong điều kiện sa mạc nóng, khô, nhiều gió. Một ví dụ là dự án Masdar City tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) với đường ngắn (dưới 70 m) và hẹp được các tòa nhà chặn cuối khiến đường phố có nhiệt độ thấp, đôi khi chỉ 20 độ C trong khi cách đó vài mét, nhiệt độ sa mạc cát có thể lên tới 35 độ C.
Tại Masdar City ở Abu Dhabi, các con phố được thiết kế để tận dụng bóng râm và gió. Ảnh: AFP
Nhà báo Kholoud al-Amiry ở Baghdad (Iraq) chia sẻ khi nhiệt kế có dấu hiệu tăng lên mức 50 độ C, người dân địa phương thường có thời gian nghỉ và được yêu cầu ở trong nhà. Cô cho biết người dân nhận thông tin qua đài truyền hình hoặc mạng xã hội Facebook. Họ cũng được khuyên đặt bát nước dưới cây cho chim và các loài động vật khi trời nắng nóng. Kholoud al-Amiry chia sẻ giới chức địa phương cũng thông báo cho người dân về tình trạng đông đúc ở bệnh viện trong các đợt nắng nóng hoặc bão cát.
Tuy nhiên, có tồn tại khác biệt lớn trong cách các quốc gia Trung Đông thích nghi với nhiệt độ cao. Điều hòa nhiệt độ là một ví dụ cho thấy cách những quốc gia giàu có như những nước Vùng Vịnh bảo vệ người dân yếu thế trước nắng nóng. Ở những quốc gia kinh tế khiêm tốn hơn, người dân địa phương khó có thể mua được điều hòa, do đó đây không phải giải pháp thông dụng.
Nhiệt độ cao trung bình trong mùa Hè tại Saudi Arabia là 38 độ C. (Ảnh: AFP).
Trong tháng 5, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Sustainability đã đưa ra viễn cảnh ảnh hưởng của nhiệt độ khắc nghiệt đối với thế giới trong 50 năm tới nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C. Nhiệt độ khắc nghiệt được ghi nhận khi mức nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 29 độ C. Theo nghiên cứu này, đến năm 2050, phần lớn người dân tại Trung Đông sẽ phải đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt.
Một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí y học The Lancet vào tháng 4 tập trung vào số lượng người tử vong liên quan đến nhiệt độ cao tại Trung Đông và Bắc Phi nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên. Nghiên cứu dự đoán những trường hợp tử vong mỗi năm liên quan đến nhiệt độ cao tại hai khu vực này sẽ tăng từ mức trung bình 2/100.000 người hiện tại lên mức 123/100.000 người vào 2 thập niên cuối của thế kỷ.
Nghiên cứu trên tạp chí The Lancet cũng nhấn mạnh rằng yếu tố nhân khẩu học và sự dịch chuyển ngày càng tăng của người dân đến các thành phố ở Trung Đông sẽ tác động đến mức độ nhiệt độ khắc nghiệt ảnh hưởng người dân địa phương. Đến năm 2050, dự kiến gần 70% dân số sẽ sống ở các thành phố lớn và đến năm 2100, người cao tuổi tại Trung Đông sẽ đông hơn thanh niên.
Các tác giả của nghiên cứu tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London cùng Viện Cyprus nhận định: “Tuổi tác cao và mật độ dân số dày đặc là các yếu tố rủi ro then chốt đối với bệnh tật và tỷ lệ tử vong liên quan tới nhiệt độ”. Người cao tuổi thuộc nhóm rủi ro về thể chất trong khi các thành phố thường ghi nhận nhiệt độ cao hơn do hiện tượng “đảo nhiệt đô thị”. Theo DW, các thành phố có thể mang nền nhiệt cao hơn 2-9 độ C so với vùng nông thôn lân cận.
Bà Eleni Myrivili tại UN Habitat – chương trình định cư con người thuộc Liên hợp quốc (LHQ) nhấn mạnh với DW rằng để phản ứng hiệu quả trước đe dọa từ nhiệt độ khắc nghiệt, các chính phủ cần có phương hướng hành động rõ ràng để tăng nhận thức, sự chuẩn bị và khả năng phục hồi.
Các kế hoạch hành động giúp người dân thường đối phó với nhiệt độ cao. Chúng có thể bao gồm “trung tâm làm mát” do chính phủ vận hành, nơi người dân có thể đến tránh nóng và uống nước hoặc các biện pháp chuẩn bị như chiến dịch giáo dục về cách giữ mát khi nhiệt độ tăng cao hoặc trồng thêm nhiều cây trong thành phố.