CLST có khẩu độ 1,8m đã ghi lại được hình ảnh của bề mặt Mặt trời một cách chi tiết, cho thấy thiết bị quang học này có thể phát hiện các dấu hiệu cảnh báo khi sắp có bão Mặt trời.
Kính viễn vọng Mặt trời cỡ lớn của Trung Quốc (CLST) mới đây đã ghi lại được hình ảnh của bề mặt Mặt trời một cách chi tiết.
Điều này cho thấy thiết bị quang học này có thể phát hiện các dấu hiệu cảnh báo khi sắp có bão Mặt trời.
Thiết bị này có thể phát hiện các dấu hiệu cảnh báo khi sắp có bão Mặt trời. (Ảnh minh họa).
CLST có khẩu độ 1,8m, được Viện Quang học và Điện tử phát triển dưới sự bảo trợ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Kính viễn vọng Mặt trời này đã chụp được loạt ảnh đầu tiên có độ phân giải cao của bầu khí quyển Mặt trời vào ngày 10/12/2019.
Bão Mặt trời là nguồn gốc của thảm họa thời tiết trong không gian, có thể dẫn đến gián đoạn liên lạc, mất điện quy mô lớn, những sự cố trong an ninh thông tin và gây thiệt hại cho các tàu vũ trụ.
Bức xạ điện từ và các sự kiện proton Mặt trời hình thành do bão Mặt trời có thể di chuyển về phía Trái Đất với tốc độ ánh sáng hoặc hoặc gần tốc độ ánh sáng. Do đó, cảnh báo bão Mặt trời được xem là tối quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do hiện tượng này gây ra.
Cuối tháng 4/2020, một nhóm nghiên cứu ở Thành Đô, phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, đã sử dụng kính viễn vọng để quan sát các vùng hoạt động của Mặt trời và thu được dữ liệu độ phân giải cao của khí quyển Mặt trời trong hơn một giờ.
Theo các nhà khoa học, "kính viễn vọng Mặt trời khẩu độ 1,8m này có thể phát hiện các dấu hiệu cảnh báo của bão Mặt trời càng sớm càng tốt, cung cấp hỗ trợ dữ liệu mạnh mẽ cho các cảnh báo bão Mặt trời và nghiên cứu vật lý Mặt trời".
Các nhà khoa học cho biết khi các hoạt động năng lượng Mặt trời ngày càng thường xuyên, các diễn biến thời tiết trong không gian sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong tương lai, kính viễn vọng Mặt trời, được trang bị các hệ thống phát hiện từ trường và phát hiện trường vận tốc, sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc phát hiện độ phân giải cao của khí quyển Mặt trời. Nhiều quốc gia đã tăng cường nỗ lực xây dựng kính viễn vọng Mặt trời 2m và lớn hơn nữa trong những năm gần đây.
Những kính viễn vọng Mặt trời cỡ lớn trên thế giới hiện bao gồm GST khẩu độ 1,6m ở Mỹ và GREGOR 1,5m ở Đức. Ngoài ra còn có, kính viễn vọng Mặt trời 4m DKIST của Mỹ hiện vẫn chưa được đưa vào hoạt động, EST 4m đang được châu Âu thiết kế và bắt đầu phát triển.
Trước CLST, kính viễn vọng Mặt trời lớn nhất ở Trung Quốc là Kính viễn vọng Mặt trời chân không mới dài 1m, do Đài quan sát Vân Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phát triển.