Kỳ lạ "nhân sâm" biển khiến các thợ lặn mạo hiểm tính mạng để lùng sục: 81 triệu đồng/kg

  •  
  • 574

Loài nhân sâm này có gì đặc biệt mà đắt như vậy?

Nếu như dưa chuột có giá khoảng 1 đô la (khoảng 23 ngàn đồng) mỗi kg thì có một loại "dưa chuột" có giá gấp 3.000 lần loại thông thường (tức gần 70 triệu đồng/kg). Nhưng chúng không có ở trên cạn mà phải lặn xuống đáy biển sâu mới có thể tìm thấy.

Đó chính là dưa chuột biển (Sea Cucumber) hay còn gọi là hải sâm - tên gọi chung của một nhóm động vật biển thuộc lớp Holothuroidea. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu lý do tại sao hải sâm lại có giá cao như vậy?

Tại sao hải sâm được săn lùng và có giá rất đắt?

Hải sâm rất đa dạng về kích thước, màu sắc, hình dạng và cả môi trường sống. Có khoảng 1.250 loài hải sâm đã được biết đến. Chúng được ví như "nhân sâm" biển vì có giá trị dinh dưỡng và y học cao.

Về mặt giải phẫu, hải sâm là một sinh vật khá kỳ lạ khi không có cơ quan di chuyển, không có mắt mà chỉ có miệng cùng một lỗ hậu môn nên rất khó phân biệt đầu đuôi. Thân hình hải sâm dài và có lông, có xương trong nằm ngay dưới da.

Quanh miệng của hải sâm có các xúc tu ngắn giúp chúng lấy thức ăn. Chúng ăn xác chết ở dưới đáy biển và các loài phù du. Có thể ví hải sâm như nhân viên vệ sinh cần mẫn giúp làm sạch đại dương.

Hải sâm
Hải sâm. (Ảnh: Seacucumberconsultancy)

Như đã nói ở trên, hải sâm có giá rất cao và được săn lùng như "nhân sâm" dưới đáy biển. Những ngư dân thậm chí mạo hiểm cả mạng sống để bắt được những con hải sâm này. Hơn nữa, nhu cầu về hải sâm đã ngày càng được mở rộng từ châu Ấ sang châu Âu, châu Mỹ.

Tất nhiên nhu cầu này sẽ khiến hải sâm ngày càng khan hiếm hơn và thợ lặn phải lặn sâu hơn mới có thể tìm thấy loài '"nhân sâm" này vì chúng càng ngày càng hiếm. Những con hải sâm càng kỳ lạ, càng nhiều gai, càng hiếm thấy thì giá trị của chúng càng cao.

Có những loại hải sâm có giá lên tới 3.500 đô la/kg (khoảng 81 triệu đồng/kg). Loài hải sâm đắt giá nhất thế giới chính là hải sâm Nhật Bản (tên khoa học: Apostichopus japonicus). Đây hiện là loài nguy cấp vì bị săn lùng quá mức.

 Hải sâm được ví như '"nhân sâm" đại dương.
Hải sâm được ví như '"nhân sâm" đại dương. (Ảnh: RoundGlass Sustain)

Giá trị của hải sâm được quyết định bởi một hợp chất hóa học có tên Fucosylated glycosaminoglycan trong da của chúng mà người châu Á sử dụng để chữa các bệnh về viêm xương khớp hay bệnh gút nhiều thập kỷ nay.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu châu Âu còn sử dụng hải sâm để điều trị ung thư hay bị máu đông (huyết khối - blood clot), chính vì thế giá trị của hải sâm cũng ngày càng tăng lên. Nhiều quốc gia như Maroc, Mỹ, Papua New Guinea... cũng bắt đầu săn lùng sinh vật này.

Chỉ tính riêng giai đoạn từ 1996 đến 2011, số lượng quốc gia xuất khẩu hải sâm từ con số 35 lên đến 83. Điều này dẫn đến số lượng của chúng suy giảm nghiêm trọng. Tại Yucatan, Mexico, số lượng hải sâm đã giảm tới 95% từ năm 2012 đến 2014.

Hải sâm ăn tảo, động vật phù du, chất thải của các động vật khác...
Hải sâm ăn tảo, động vật phù du, chất thải của các động vật khác... (Ảnh: Az Animal)

Sự khan hiếm cũng đẩy giá hải sâm tăng 17% từ năm 2011 đến 2016. Điều này khiến cho các thợ lặn bất chấp tính mạng để săn lùng '"nhân sâm" biển. Đã có rất nhiều người bị liệt do chứng giảm áp khi phải lặn ở độ sâu vượt quá mức chịu đựng.

Ở Yucatan, thậm chí có tới ít nhất 40 thợ lặn đã tử vong khi cố gắng lặn sâu để bắt hải sâm. Việc làm bất chấp này đã khiến 7 loài hải sâm bị xếp vào loại nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng trong 70 loài hải sâm thường được khai thác.

Hậu quả là gây mất cân bằng sinh thái và phá hủy hệ sinh thái đáy biển ở nhiều nơi. Hải sâm mất từ 2 đến 6 năm mới có thể trưởng thành và sinh sản nên việc phục hồi số lượng của chúng là điều không hề dễ dàng.

Hơn nữa, hải sâm là loài thụ tinh ngoài, con đực và con cái sẽ phóng tinh trùng và trứng vào nước biển và nếu gặp điều kiện thuận lợi thì trứng sẽ được thụ tinh. Việc mật độ hải sâm giảm đi đồng nghĩa với xác suất trứng gặp tinh trùng giảm đi rất nhiều.

Cập nhật: 17/05/2022 Trí Thức Trẻ
  • 574