Kỳ lạ vùng đất lấy việc đan lát làm thước đo... giá trị đàn ông

  •  
  • 265

Hơn 500 năm qua, những người đàn ông trên hòn đảo Taquile (Peru) vẫn duy trì một thói quen đặc biệt được ví như thước đo giá trị con người. Đó là đan lát mũ để thể hiện sự hấp dẫn và thu hút phụ nữ.

Khác với nhiều nơi trên thế giới, giá trị của những người đàn ông sinh sống trên hòn đảo nhỏ Taquile (Peru) không thể hiện ở khả năng săn bắn, câu cá hay những công việc nặng nhọc khác mà được đánh giá qua một kỹ năng đặc biệt thường chỉ thấy ở phụ nữ. Đó là khả năng đan lát thuần thục.

Đảo Taquile có khoảng 1.300 cư dân sinh sống, vốn nổi tiếng về lĩnh vực dệt may. Ở đây, phụ nữ đóng vai trò là những người dệt vải và cung cấp len từ cừu, còn nam giới có trách nhiệm sản xuất chullo - loại mũ biểu tượng của hòn đảo này.


Ở đảo Taquile (Peru), giá trị của một người đàn ông thể hiện qua kỹ năng đan mũ. (Ảnh: Theculturetrip).

Mũ chullo được sử dụng rộng rãi ở vùng núi Andean. Người bản địa thường sử dụng nó để chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mũ có vành tai, dây buộc ở dưới cằm với nhiều màu sắc sặc sỡ.

Mỗi chiếc mũ còn thể hiện sự sáng tạo, bản lĩnh và ước mơ của đàn ông. Thông qua chullo, họ cũng có thể bày tỏ tâm trạng và thổ lộ tâm tư, suy nghĩ của mình.

Hơn 500 năm qua, những người đàn ông sinh sống trên đảo bắt buộc phải học cách làm chullo, vừa khẳng định giá trị bản thân, vừa bảo tồn nét văn hóa truyền thống. Với họ, chullo không chỉ là món đồ giữ ấm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên cấu trúc xã hội nơi đây.

Alejandro Flores Huatta (67 tuổi) được xem là bậc thầy trên đảo với kỹ năng đan lát "đỉnh cao". Alejandro học kỹ thuật làm chullo từ anh trai và ông nội. Ông có thể dễ dàng đan chullo bằng gai xương rồng thay vì sử dụng kim đan.

Ở đây, ngôn ngữ địa phương không được viết ra nên họ chỉ có thể học hỏi và hướng dẫn cho thế hệ sau bằng hành động. Bằng cảm nhận và sự quan sát tập trung, Alejandro đã tiếp thu được kinh nghiệm từ anh trai và ông nội rồi dần dần trở nên thuần thục với các kỹ năng đan lát hiếm ai trên hòn đảo có thể sánh bằng.

Truyền thống đan mũ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Truyền thống đan mũ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. (Ảnh: Jessica Vincent).

Theo Alejandro, ở đảo Taquile, các cậu bé bắt đầu học đan chullo từ lúc 5 - 6 tuổi. Chiếc mũ đầu tiên mà chúng học làm sẽ có màu trắng. Sau này, chúng được dạy thêm về các kỹ thuật, cách pha chế màu từ thực vật và các khoáng chất khác để làm nên những chiếc mũ đẹp tinh tế, có màu sắc bắt mắt.

Trung bình, kể cả những thợ lành nghề trên đảo cũng phải mất một tháng mới hoàn thiện được một chiếc mũ chullo. Bởi món đồ này đòi hỏi quá trình chế tạo kỳ công, không chỉ có tác dụng giữ ấm mà còn thể hiện những ý nghĩa đặc biệt.

Thậm chí, đàn ông trên đảo còn có thể cưới được vợ nhờ những chiếc mũ chullo độc đáo này. Về phía các cô gái, họ cũng lựa chọn bạn đời dựa trên khả năng đan chullo bằng những chiếc kim mảnh. Theo họ, muốn biết dấu hiệu của một người bạn đời tốt chỉ cần quan sát xem anh ta có thể dệt được chiếc chullo chất lượng hay không.

Alejandro chia sẻ: "Các ông bố vợ sẽ kiểm tra sự chu đáo của con rể bằng cách đánh giá kỹ năng đan chullo. Một chiếc chullo tốt phải giữ được nước khi di chuyển trong khoảng cách xa. Chiếc mũ của tôi có thể đi 30m mà không rơi giọt nước nào nên khiến vợ và bố vợ thấy ấn tượng".


Những chiếc mũ chullo sặc sỡ không chỉ là món đồ giữ ấm mà còn giúp đàn ông trên đảo lấy được vợ. (Ảnh: Aracari Travel).

Ông Juan Quispe Huatta, chủ tịch hòn đảo cũng xác nhận điều này. Các cô gái ở đây hi vọng kiếm được người bạn đời có thể đan những chiếc mũ chullo hoàn hảo. Nếu mũ càng đẹp, càng chất lượng thì chủ nhân của nó càng có cơ hội lấy vợ nhanh chóng hơn.

Tùy theo ý tưởng của người đan mà mỗi chiếc mũ chullo lại có biểu tượng khác nhau nhưng phổ biến nhất là hình bông hồng 6 cánh (đại diện cho 6 cộng đồng trên đảo) hay các loại chim cò, gia súc, cừu, chim ưng... tượng trưng cho ngành nông nghiệp.

Mũ chullo được làm theo hai tông màu chủ đạo là xanh và đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho máu của những thế hệ đi trước đã ngã xuống để bảo vệ hòn đảo. Còn màu xanh thể hiện sự tôn kính của người dân với hồ thiêng Mama Cocha.

Suốt cuộc đời của một người đàn ông, chullo cũng thay đổi liên tục. Khi anh ta đạt đến thứ bậc cao như vị trí lãnh đạo, trưởng lão..., chiếc chullo cũng cần thay đổi theo.

Được biết, năm 2005, nghệ thuật dệt may ở hòn đảo Taquile được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại. Alejandro và chủ tịch đảo Juan cũng lọt top 7 người đàn ông được xếp hạng bậc thầy dệt may.

Cập nhật: 15/09/2021 Theo Dân Trí
  • 265